Hội thảo khoa học đánh giá quá trình khai thác, phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang từ năm 1976 đến nay

(THTG) Ngày 13/8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo khoa học đánh giá quá trình khai thác, phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang từ năm 1976 đến nay.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

2

Khu vực Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang là vùng đất về phía Đông, nằm hai bên lộ Cổ Chi đến Phú Mỹ; phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam liền với Quốc lộ 1 và phía Bắc giáp tỉnh Long An. Điều kiện tự nhiên nơi đây rất khắc nghiệt, được người nước ngoài mệnh danh là “vùng đất chết”, nhưng lại từng là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau giải phóng năm 1975, tiếp nối quá trình khai hoang của cha ông, Ban chấp hành tỉnh ủy Tiền Giang đã đề ra chủ trương, nghị quyết quyết tâm khai phá, phát triển; vận động nhân dân, đưa bộ đội vào xây dựng vùng kinh tế mới.

1

Đến năm 1994, huyện Tân Phước được thành lập, là bước ngoặt quan trọng, là kết tinh của sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong điều kiện cụ thể của tỉnhTiền Giang. Đây cũng là thắng lợi của quá trình thực hiện khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng huyện thành vùng chuyên canh cây nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trên vùng Đồng Tháp Mười.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đánh giá cao thành tựu khai hoang mở đất, phát triển vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang 4 thập kỷ qua, khẳng định Đảng bộ, nhân dân tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Tân Phước nói riêng đã chiến thắng ngoạn mục sự khắc nghiệt của thiên nhiên, biến vùng đất hoang hóa ngàn năm thành vùng đất trù phú và vươn lên mạnh mẽ như ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong chiến lược khai thác và phát triển vùng đất này, các ngành, các cấp tỉnh cần quan tâm đến điều kiện biến đổi khí hậu bởi vùng Đồng Tháp Mười phải chịu sự tác động kép gồm nước lũ đầu nguồn đổ về và nước biển dâng, làm cơ sở định hướng nhân dân phát triển nông nghiệp, hạ tầng, giáo dục, y tế…phù hợp.

Hiện hệ thống hạ tầng nông thôn, thủy lợi nội đồng ở vùng Đồng Tháp Mười cơ bản hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu rửa phèn, dẫn nước, phục vụ sản xuất 14.400 ha khóm, hơn 17.000 ha lúa, 15.000 ha cây ăn trái các loại. Từ vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, giờ đây, dân số huyện Tân Phước đạt trên 58.700 người cùng với sự hình thành các khu, cụm công nghiệp, bộ mặt vùng đất phèn nay đã khởi sắc rõ rệt. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định: nhân tố quyết định bao trùm toàn bộ thành tựu trong khai phá vùng Đồng Tháp Mười chính là sự đồng lòng, quyết tâm rất cao trong tập trung lãnh đạo toàn diện và đúng hướng của tỉnh và huyện Tân Phước cho vùng đất đầy khó khăn, nhưng giàu tiềm năng này.

Từ những bài học quý báu của ngày hôm qua và những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong hội thảo hôm nay là sơ sở, là định hướng thiết thực để tỉnh Tiền Giang tiếp tục chinh phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên vùng đất Đồng Tháp Mười, xây dựng huyện Tân Phước trở thành vùng có hệ sinh thái nông nghiệp phát triển với năng suất, chất lượng cao, dân cư đông đúc, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật phát triển, đời sống nhân dân phát triển về mọi mặt.

Kim Nữ