Hội thảo khoa học “ Giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh”
(THTG) Ngày 27/8, Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “ Giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh” .
Đến dự Hội thảo có ông Trần Thế Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang; ông Trương Minh Nhựt, Vụ trưởng – Ban Tuyên giáo trung ương , ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang cùng các giáo sư – tiến sỹ, các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.
Ảnh: Phi Phụng
Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, sinh ngày 1/10/1885 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công. Ngày nay thuộc thị xã Gò Công , tỉnh Tiền Giang. Xuất thân từ gia đình nông dân, Hồ Biểu Chánh thuở nhỏ học chữ Hán, sau đó học chữ Quốc ngữ và thi đậu bằng Thành Chung. Ông từng làm thông ngôn, Đốc Phủ Sứ, Quận trưởng dưới thời Pháp thuộc. Dù giữ nhiều chức vụ khác nhau, nhưng Hồ Biều Chánh vẫn giữ được phẩm chất thanh liêm và thương người. Những yếu tố này ảnh hưởng đến các tác phẩm văn học của ông. Sự nghiệp sáng tác văn học của ông khá đồ sộ với số lượng 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu … Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thuộc thời đầu của văn học chữ Quốc ngữ. Đề tài trong các tác phẩm văn học của ông phần lớn diễn ra tại vùng đất Nam bộ. Các đại biểu dự hội thảo đã đóng góp 26 tham luận, phản ánh nhiều góc độ khác nhau về giá trị văn học trong các tác tác phẩm của Hồ Biểu Chánh như : Hồ biểu Chánh – nhà văn tiên phong trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Hồ Biểu Chánh – nhà văn đặc sắc Nam bộ, cách nhìn mới về giá trị văn học của Hồ Biểu Chánh …
Nhìn chung các đại biểu dự hội thảo đều đánh giá cao về nhà văn Hồ Biểu Chánh. Ông không chỉ là nhà văn khởi đầu về thể loại văn xuôi Việt Nam , mà còn có nhiều tác phẩm văn học trên các lĩnh vực khác nhau. Văn phong của ông tuy bình dân nhưng giàu lòng nhân ái và mang tính giáo dục cao.
Công Luận
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.