Họp báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô năm 2016

(THTG) Ngày 15/2, Ban chỉ đạo phòng chống hạn và xâm nhập mặn tỉnh Tiền Giang tổ chức họp, báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô năm 2016 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến ngày 15/2/2016 và giải pháp cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2015 – 2016. Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì buổi họp.

00

Ảnh: Anh Tuấn

Vụ Đông Xuân 2015-2016, vùng Ngọt hóa Gò Công có tổng diện tích trên 29.000 ha lúa, trong đó diện tích xuống giống từ ngày 15/12 đến hết tháng 12 là 26.800 ha, từ sau ngày 1/1/2016 trên 2.200 ha. Do năm nay mưa kết thức sớm, lượng mưa thấp, mặn đến sớm và xâm nhập sâu nên dự án Ngọt hóa Gò Công đầu tháng 12 đã đóng ngăn mặn trừ cống Xuân Hòa, vì vậy nguồn nước vụ Đông Xuân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, để chủ động đối phó với hạn, mặn trong mùa khô 2015-2016, ngày từ những tháng cuối năm 2015, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cùng các sở ngành và lãnh đạo các huyện, thị phía Đông tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều giải pháp phòng chống. Trong công tác bảo vệ sản xuất vụ đông xuân 2015-2016, đến ngày 13/2 đưa vào hoạt động 4 thuyền/ 8 máy bơm công suất 8000m khối/giờ. Tổ chức bơm chuyền 365 điểm bơm, tưới cho trên 12.444 ha tập trung ở các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và Thị xã Gò Công. Tuy nhiên, do khu vực cuối nguồn mực nước nội đồng thấp, chất lượng nước kém, nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc dồn phèn nên đã làm chết trên 690 ha lúa ở các huyện, thị phía Đông.

Riêng tình hình cung cấp nước sinh hoạt mùa khô 2015-2016. Đến nay, tại các huyện thị phía đông đã có 24 trạm cấp nước được triển khai phục vụ cho hơn 40.000 hộ dân và hiện nay còn khoảng 6.995 hộ sống ven biển, ven sông cửa tiểu, ngoài đê, sống phân tán đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt sông, kênh, rạch bị ảnh hưởng mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2016.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu từng địa phương cần tiếp tục duy trì và tăng cường bơm chuyền cấp 2, chủ động triển khai có thể tổ chức bơm 3 cấp ở những nơi khó khăn về nguồn nước tổ chức khoanh vùng cụ thể, chủ động áp dụng các giải pháp hạn chế thiệt hại trong sản xuất, đảm bảo cho thu hoạch, đồng thời có giải pháp xử lý cục bộ ở những tuyến kênh cặp đê sông song song với việc tổ chức bơm chuyền 2 cấp cụ thể ở các xã Phước Trung, Tân Thành, Tân Phước, Kiểng Phước và Gia Thuận.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống hạn mặn tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở ngành hữu quan tiếp tục đẩy mạnh quan trắc, tranh thủ lấy nước tối đa trong điều kiện cho phép, tiếp tục đấu nối sử dụng nước của nhà máy nước Đồng Tâm vào các trạm nước mặt cũng như có kế hoạch chuyển nước ngọt cấp cho huyện Tân Phú Đông./.

 

Trọng Hiếu