Hướng dẫn thiết lập, bảo vệ và mở rộng “Vùng xanh” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(THTG) Ngày 22-8, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành văn bản hướng dẫn thiết lập, bảo vệ và mở rộng “Vùng xanh” trên địa bàn tỉnh.
“Vùng xanh” tại Phường 3, Tp. Mỹ Tho. Ảnh: Trọng Hiếu
Văn bản nêu rõ, để bảo vệ những kết quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19, khoanh vùng, thu hẹp khu vực có dịch, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh trên diện rộng và dập dịch thành công, đảm bảo an toàn cho nhân dân, UBND tỉnh hướng dẫn việc thiết lập, bảo vệ và mở rộng “Vùng xanh” trên địa bàn tỉnh như sau:
I. THIẾT LẬP “VÙNG XANH”:
1. Quy ước xác định vùng
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ quy định các mức độ nguy cơ trong phòng, chống dịch Covid-19 để phân chia các vùng như sau:
– “Vùng xanh”: Vùng có mức độ bình thường mới (vùng an toàn, chưa phát sinh dịch bệnh hoặc đã phát sinh dịch bệnh nhưng đã được kiểm soát, qua ít nhất 14 ngày không phát sinh các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm mới).
– “Vùng vàng”: Vùng có mức độ nguy cơ (vùng này phải được ưu tiên kiểm soát dịch bệnh để nhanh chóng đưa về “Vùng xanh”).
– “Vùng cam”: Vùng có mức độ nguy cơ cao.
– “Vùng đỏ”: Vùng có mức độ nguy cơ rất cao.
2. Phạm vi xác định “Vùng xanh”
Tùy thuộc địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên, phạm vi, mức độ nguy cơ trong phòng, chống dịch mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp xác định phạm vi “Vùng xanh” như sau:
– “Vùng xanh” ấp/khu phố (hoặc 01 khu vực dân cư độc lập có thể tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch và kiểm soát được): là đơn vị nhỏ nhất trong việc xác định “Vùng xanh”, để đảm bảo việc quản lý, bảo vệ.
– “Vùng xanh” liên ấp/khu phố (các ấp/khu phố thuộc một hoặc nhiều đơn vị cấp xã có chung địa giới hành chính hoặc được giới hạn bởi các tuyến đường liên ấp, khu phố).
– “Vùng xanh” cấp xã.
– “Vùng xanh” liên xã (các xã thuộc một hoặc nhiều đơn vị cấp huyện có chung địa giới hành chính hoặc được giới hạn bởi các tuyến giao thông).
– “Vùng xanh” cấp huyện (các xã đều là “Vùng xanh”).
– “Vùng xanh” liên huyện (các đơn vị “Vùng xanh” cấp huyện có chung địa giới hành chính).
– “Vùng xanh” tỉnh.
3. Phân chia khu vực trong “Vùng xanh”
Đối với “Vùng xanh” được xác định trên phạm vi rộng (nhiều ấp/khu phố, nhiều đơn vị cấp xã) phải được phân chia ra làm nhiều khu vực nhỏ để quản lý, bảo vệ (mỗi khu vực tương đương với “Vùng xanh” ấp/khu phố và đảm bảo có tuyến giao thông để vận chuyển hàng hóa, lưu thông phục vụ cấp cứu, chữa cháy và yêu cầu khẩn cấp khác).
Nhiều “vùng xanh” đã được thiết lập và bảo vệ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua. Ảnh: Trọng Hiếu
II. TỔ CHỨC BẢO VỆ, ĐẢM BẢO CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG “VÙNG XANH”
1. Ban hành nội quy “Vùng xanh”
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện ban hành, niêm yết nội quy “Vùng xanh” tại mỗi khu vực:
– Quy định đối tượng được ra – vào khu vực.
– Quy định điều kiện phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
– Quy định về quyền và trách nhiệm của người dân.
– Quy định về quyền và trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
– Hoạt động y tế tại “Vùng xanh” (xét nghiệm, tiêm ngừa, xử lý khi có ca nghi nhiễm, ca nhiễm …) theo quy định chung của Trung ương và của tỉnh.
– Những đối tượng bị cấm vào “Vùng xanh” (người không có trách nhiệm, người không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch…).
– Thông báo đường dây nóng (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Tổ Covid cộng đồng…) trong “Vùng xanh” để người dân biết, liên hệ khi cần.
Các nội quy trên được niêm yết tại các chốt kiểm soát và thông báo đến từng hộ dân, được tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở, qua tuyên truyền của các Tổ Covid cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản, các tổ chức quần chúng để người dân nhận thức và xác định rõ trách nhiệm cùng thực hiện.
2. Thiết lập chốt kiểm soát
– Thiết lập chốt kiểm soát tại lối ra – vào “Vùng xanh”: tùy phạm vi “Vùng xanh” mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp quản lý “Vùng xanh” quyết định số lượng lối ra – vào phù hợp và lập chốt kiểm soát 24/24 giờ. Các tuyến đường phụ, đường nhánh phải được “phong tỏa cứng” (không cho người, phương tiện ra – vào). Cân nhắc việc thiết lập chốt kiểm soát tại lối ra khu vực có nguy cơ cao hoặc nguy cơ rất cao.
– Các khu dân cư trong “Vùng xanh” xã, liên xã trở lên có thể thiết lập chốt kiểm soát 24/24 giờ như lối ra – vào “Vùng xanh”.
– Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát người ra – vào các chốt kiểm soát.
3. Huy động lực lượng tham gia bảo vệ “Vùng xanh”
Lực lượng huy động: chủ yếu là lực lượng tại chỗ, phát huy tối đa tính tự quản của nhân dân và huy động lực lượng nòng cốt là Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, lực lượng tình nguyện viên được bố trí thành các ban, tổ, đội…
– Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo công tác bảo vệ “Vùng xanh”.
– Lực lượng tham gia chốt kiểm soát.
– Lực lượng tuần tra, kiểm tra việc chấp hành nội quy “Vùng xanh”; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; giải quyết các trường hợp liên quan y tế, các trường hợp vi phạm nội quy, các trường hợp chống đối…
– Tổ Covid cộng đồng:
+ Tổ chức tuyên truyền các nội quy “Vùng xanh”.
+ Giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch của người dân trong “Vùng xanh”; thực hiện việc vận chuyển, phân phối hàng hóa cho người dân trong “Vùng xanh”.
+ Giám sát hoạt động của các đối tượng được phép vào, đến cư trú tại “Vùng xanh”.
+ Tổ chức phát động phong trào vận động nhân dân tham gia thiết lập, bảo vệ và mở rộng “Vùng xanh”.
– Lực lượng tình nguyện viên: tham gia các hoạt động tuần tra kiểm soát, đảm bảo ANTT; vận chuyển, phân phối hàng hoá cho người dân trong “Vùng xanh” theo chỉ đạo, huy động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, cấp xã.
4. Kiểm soát ra – vào “Vùng xanh”
– Kiểm soát “Vùng xanh” theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, thực hiện đúng nội quy “Vùng xanh”.
– Người dân trong vùng xanh thực hiện nghiêm quy định 5K trong giao tiếp, mua bán, trao đổi hàng hóa; khi giao dịch với bên ngoài phải thực hiện tại các chốt kiểm soát ra – vào “Vùng xanh” (đảm bảo 5K, khử khuẩn hàng hóa). Trường hợp ra ngoài “Vùng xanh” khi cần thiết phải có giấy xác nhận của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; khi trở về phải có giấy test nhanh âm tính còn trong thời gian 3 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày và phải báo ngay cho y tế địa phương khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở …để kịp thời xử lý. Trừ lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch các cấp; công chức, viên chức làm nhiệm vụ được cơ quan nhà nước thẩm quyền phân công (có thẻ/giấy đi đường theo quy định); các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu.
– Nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sửa chữa thiết bị, phương tiện trong trường hợp khẩn cấp… do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp thiết lập “Vùng xanh” quyết định. Khử khuẩn phương tiện trước khi vào “Vùng xanh” và phải thực hiện nghiêm quy định 5K khi vào “Vùng xanh”.
– Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong “Vùng xanh” phải thực hiện theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, trước mắt là thực hiện theo phương án “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.
5. Cung ứng thực phẩm, hàng hoá trong “Vùng xanh”
– Tùy điều kiện, đặc điểm của từng “Vùng xanh” để thiết lập các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm theo nguyên tắc khu vực nào cung ứng cho khu vực đó. Trường hợp “Vùng xanh” ấp/khu phố không thiết lập được điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thì triển khai mô hình đi chợ thay hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến cho người dân.
– Giao Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, tổ chức việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân tại “Vùng xanh”.
6. Mở rộng “Vùng xanh”
– Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
+ Xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua “Giữ chắc Vùng xanh, hóa xanh Vùng đỏ” trên địa bàn, từng bước chuyển hoá “Vùng đỏ” thành “Vùng cam”, từ “Vùng cam” thành “Vùng vàng” và từ “Vùng vàng” thành “Vùng xanh”.
+ Chỉ đạo các địa phương giáp ranh “Vùng xanh” phối hợp đơn vị quản lý “Vùng xanh” tổ chức bảo vệ, tổ chức chuyển hóa địa bàn giáp ranh thành “Vùng xanh” (phương pháp “vết dầu loang”).
– Sở Y tế hướng dẫn y tế các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng; phục vụ có hiệu quả việc chuyển hóa các vùng khác thành “Vùng xanh”.
Chốt bảo vệ “Vùng xanh” tại xã Đạo Thạnh, Tp. Mỹ Tho. Ảnh: Trọng Hiếu
III. NHIỆM VỤ THIẾT LẬP, BẢO VỆ, MỞ RỘNG “VÙNG XANH”
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh
Xác định, thiết lập và bảo vệ “Vùng xanh” liên huyện, “Vùng xanh” tỉnh.
2. Công an tỉnh
– Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã phối hợp lực lượng Quân sự và các ngành triển khai các hoạt động kiểm soát người ra – vào “Vùng xanh”; hướng dẫn, theo dõi việc tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch tại các “Vùng xanh”.
– Đảm bảo ANTT, xử lý các tình huống phức tạp về ANTT trong “Vùng xanh”.
3. Sở Y tế
Hướng dẫn y tế địa phương thực hiện các hoạt động y tế trong “Vùng xanh”; tổ chức khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát nguồn lây, tăng cường cung cấp vắc xin tại các “Vùng đỏ”, “Vùng cam”, “Vùng vàng” để phục vụ chuyển hóa các vùng này thành “Vùng xanh”.
4. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các lực lượng phối hợp lực lượng Công an và các ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, kiểm soát người ra – vào “Vùng xanh” theo sự phân công của Ban Chỉ đạo các cấp.
5. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh
Hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tổ chức cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong “Vùng xanh”.
6. Sở Nội vụ
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp phát động phong trào thi đua thiết lập, bảo vệ và mở rộng “Vùng xanh”, phối hợp các ngành có liên quan tổ chức đánh giá, tuyên dương, nhân rộng các mô hình “Vùng xanh” đạt hiệu quả.
7. Đề nghị các ban, ngành, đoàn thể tỉnh
Căn cứ chức năng, lĩnh vực phụ trách hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân trong “Vùng xanh”.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
– Chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá mức độ nguy cơ, xác định các vùng theo Hướng dẫn này để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
– Xây dựng kế hoạch chuyển hóa “Vùng đỏ”, “Vùng cam”, “Vùng vàng” thành “Vùng xanh”; phát động phong trào thi đua thiết lập, bảo vệ và mở rộng “Vùng xanh” trên địa bàn.
– Huy động, tổ chức lực lượng bảo vệ, kiểm soát dịch bệnh trong “Vùng xanh”; tổ chức cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân trong “Vùng xanh” và vận chuyển hàng hóa từ “Vùng xanh” đến “Vùng đỏ”, “Vùng cam”, “Vùng vàng”.
– Phối hợp, thống nhất với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức xây dựng “Vành đai an toàn” trong vận chuyển hàng hóa, nông sản, đi lại giữa các “Vùng xanh”.
– Phối hợp các ngành liên quan tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa do người dân trong “Vùng xanh” sản xuất.
– Kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động trong “Vùng xanh”.
– Kiểm tra, rà soát, cấp phát đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch cho các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát người ra – vào “Vùng xanh” theo quy định của ngành y tế.
– Tuyên truyền về nội quy, phạm vi, vị trí “Vùng xanh” để người dân thực hiện.
Khuyến khích các sở, ngành, địa phương sáng tạo nhiều mô hình mới, cách làm hay trong việc thiết lập, bảo vệ và mở rộng “Vùng xanh”.
P.H
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.