Huyền bí lễ hội Chém yêu tinh gà xây thành Cổ Loa
Theo truyền thuyết, An Dương Vương được thần Kim Quy ban cho nỏ thần để bắn chết con gà mới xây được thành Cổ Loa. Nhưng truyền thuyết có lẽ bắt nguồn từ đời thật. Bởi ngoài hàng ngàn mét thành Cổ Loa, dấu tích ngày nay còn lại là một tảng đá bị nứt làm đôi mà người dân bao đời ở làng Thụy Lôi cho rằng, đó là dấu tích vết chém đứt cổ yêu tinh gà, khiến hòn đá nứt làm đôi của người xưa.
Sau hàng ngàn năm lịch sử, ngày nay, lễ hội Đền Sái ở làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn còn nghi thức chém gà để tưởng nhớ công lao của người xưa, để cầu an, cầu may mắn, cầu mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu trong suốt một năm.
Huyền bí lễ diệt yêu tinh gà
Thành Cổ Loa- một di tích lịch sử nổi tiếng nằm trên đất Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Thành do Vua Thục An Dương Vương xây dựng khoảng năm 257 trước công nguyên, là kinh đô nước Âu Lạc. Thành Cổ Loa ba lần là kinh đô của các triều Thục (257-258 TCN); Lý Nam Đế (570-602) và Ngô Quyền (939-944).
Thành có ba vòng đắp bằng đất, vòng trong dài 1.640 m, vòng giữa dài 6500 m và vòng ngoài 8000 m. Vết tích còn lưu giữ đến ngày nay là những đoạn tường thành, đền thờ An Dương Vương, Giếng Ngọc, Đình Cổ Loa, Am Mỵ Châu, vườn Thuyền, Gò Đống Bắn, Ngự Xạ đài…Gắn liền với các di tich, danh thắng và các lễ hội là cả một kho tàng huyền thoại. Trong đó có những truyền thuyết nổi tiếng như chuyện thần Kim Quy, chuyện Mỵ Châu- Trọng Thủy… Câu chuyện Rùa vàng giúp vua Thục An Dương Vương xây thành là chuyện mà không người Việt Nam nào không biết.
Tích xưa kể rằng, sau khi mở rộng bờ cõi đến vùng đất Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước thành Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (Cổ Loa) và lo đắp một tòa thành thật kiên cố.
Sau nhiều ngày nhân dân, quân lính cùng đào đất, đắp thành, tòa thành cao dần. Nhưng chỉ một đêm, cả bức tường thành kiên cố sập xuống như đất bằng. Người dân báo với đức vua rằng, ban đêm, nghe những bước chân rầm rầm ở khắp các ngả kéo đến. Sợ là ma quỷ. Dân không dám nhìn. Vua lệnh xây lại thành, nhưng khi sắp hoàn thành thì cũng chỉ trong một đêm lại sập xuống. Sau nhiều lần xây thành Cổ Loa không xong, vua Thục Phán An Dương Vương được thần Huyền Thiên Trấn Vũ giúp diệt trừ yêu tinh, đó là con gà trắng sống lâu năm thành tinh. Vua diệt xong gà trắng, xây được thành. Để tạc ghi công đức của thần, nhà vua cho xây dựng đền Sái, thờ thần Trấn Vũ và hàng năm, vào đầu xuân, nhà vua lại đích thân xa giá về bái yết tại đền.
Về sau, do đi lại khó khăn và tốn kém (Thụy Lôi cách trung tâm thành Cổ Loa -nơi vua ở khoảng 7 km), nhà vua ban chiếu cho làng Thụỵ Lôi thực hành nghi lễ này. Từ đó xuất hiện lễ hội “Rước vua giả” – còn gọi là lễ rước vua sống – ở đền Sái.
Độc đáo rước vua thật, chúa thật
Cụ Ngô Tuyên Tương- Phó Ban quản lý Đền Sái cho chúng tôi biết, lễ hội Đền Sái diễn ra vào ngày 11, 12 tháng Giêng hàng năm. Sau Tết, mỗi gia đình sẽ sửa soạn phẩm vật để cùng tổ chức lễ hội. Hai cụ già trong làng được chọn làm “vua” và “chúa”. Theo quy định, những người được chọn làm vua, chúa trong năm phải là những vị cao niên, khỏe mạnh; còn đủ song toàn cụ ông, cụ bà; có đức độ và có uy tín trong dân chúng.
Trong khi vua và các quan lên Đền Sái, kiệu chúa vòng sang Đền Thượng, thực hành nghi lễ ướm gươm, mô phỏng tích xưa chém yêu tinh gà. Một chú gà trống trắng, mào đỏ rực sẽ được đem tới, đặt lên tảng đá lớn để làm lễ tế. Sau tiếng chiêng trống, bài khấn, chúa sẽ vung gươm gỗ chém ba nhát tượng trưng vào gần đầu gà sao cho bát phẩm màu hoặc tiết gà được chuẩn bị sẵn trước đó văng ra khắp phiến đá. Như thế, nghi thức trừ yêu gà đã xong.
Để chuẩn bị cho ngày hội lớn này, từ những ngày đầu năm mới dân làng đã cho sửa sang lại đường sá, những cụ có uy tín trong làng tìm chỗ dựng dinh cho vua, chúa và các quan lại; dân làng làm bánh chưng, bánh dày tiến vua cùng nhiều sản vật khác… Trước ngày diễn ra hội chính, làng cho giết trâu, bò, lợn để khao dân tại đình làng… Sáng 11 tháng Giêng là ngày hội chính, ngoài người được chọn làm vua còn có chúa và bốn vị quan đầu triều cùng tham gia lễ rước. Trong lễ hội Rước vua giả, tất cả các động tác, tình tiết đều diễn lại tích xưa. Vua giả ngồi trên kiệu được trai tráng trong làng rước ra đình cùng các quan. Trang phục, võng lọng đều phỏng theo lối của triều đình. Trong khi rước, thỉnh thoảng đám trai tráng khênh kiệu “chúa” lại hô vang rồi chạy để dẹp đường cho “vua”. Sau khi “vua”, “chúa” cùng bá quan yên vị, yến tiệc bắt đầu; tan tiệc trống chiêng nổi lên rộn rã, theo nghi lễ truyền thống, “chúa” lên kiệu vào yết “vua”, sau đó “vua” lên kiệu và cuộc rước bắt đầu: “vua” lên bái vọng đức Huyền Thiên ở đền Sái và thực hiện nhiều nghi lễ khác ở đình, chùa…
Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm mà náo nhiệt, chiêng trống nổi liên hồi, ai nấy đều hồ hởi dõi theo đám rước, hàng vạn người nối nhau làm ngày xuân như dài mãi… Đặc biệt sau lễ rước, “vua” trở về dinh là… nhà mình, ngự trên ngai vàng, bà con làng xóm vui mừng tới dinh “vua” chúc mừng. Theo những cụ già trong làng kể lại, xưa, mỗi năm cứ vào dịp thôn làm hội là dân thập phương, đặc biệt là những làng kết nghĩa lân cận đến dự rất đông.
Theo cụ Ngô Tuyên Tương, những người được phong “vua” phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về đức độ, sức khỏe, tuổi tác (trên 70 tuổi)… Vị “vua” được chọn sẽ có uy tín rất lớn trong những việc nghi lễ của làng cho đến lễ rước tiếp theo có “vua” mới được bầu chọn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lễ rước vua giả ở Thụy Lôi bị gián đoạn, từ năm 1984 đến nay được duy trì rất đều đặn. Xưa kia, nhà vua cắt ruộng đất cho những người được giao chuẩn bị lợn, trâu làm lễ khi đón rước vua, nay ở Thụỵ Lôi vẫn còn những cánh đồng mang tên dõng Vua, khu Trâu đô, Lợn đô…
Cũng theo cụ Tương, trước kia lễ hội rước vua diễn ra trong ba ngày, nay chỉ tổ chức gọn một ngày cho phù hợp với đời sống văn hóa mới. Ngày 11 tháng Giêng hàng năm, du khách khắp nơi lại đổ về Thụy Lôi để dự lễ rước vua giả độc đáo của làng và càng thêm tự hào về một nét văn hóa đặc sắc của ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. “Đây không chỉ là dịp vui chơi thoải mái, mà còn là dịp để tri ân công đức tổ tiên và nhớ về lịch sử, giáo dục về truyền thống hào hùng của cha ông cho thế hệ trẻ”- cụ Tương chia sẻ.
Bóc đi lớp vỏ huyền bí của lễ hội đền Sái trong lịch sử, cho đến hôm nay, lễ hội là một sinh hoạt văn hóa nhằm nhớ tới công đức của tỏ tiên, khơi dậy niềm tự hào, yêu mến quê hương đất nước của người dân trong vùng. Dịp làng mở hội cũng là dịp giải trí của dân làng sau những tháng ngày lao động nặng nhọc, cũng là dịp bè bạn, anh em, họ hàng có cơ hội gặp gỡ để đắp bồi thêm tình làng nghĩa xóm, họ mạc./.
Báo Tổ quốc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.