Huyện Tân Phước: Chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng vào mùa khô
Theo Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) huyện Tân Phước, hiện có 3.539 ha diện tích rừng, trong đó diện tích rừng tràm là 3.195ha và diện tích rừng trồng cây bạch đàn là 344ha. Tổng số xã, thị trấn của huyện có diện tích rừng là 13/13 xã (trong đó tập trung ở 5 xã: Thạnh Tân, Mỹ Phước, Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ và Tân Hòa Đông và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười).
Xác định mùa khô thường dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng; đồng thời thực hiện theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 11-12-2013 của UBND tỉnh Tiền Giang vể việc phòng, chống hạn mặn và cháy rừng năm 2014. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCCCR huyện Tân Phước đã xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án PCCCR.
Rừng tràm ở huyện Tân Phước có nguy cơ dễ cháy vào mùa khô. |
Huyện Tân Phước có địa hình phân bố dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại còn khó khăn, lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy chưa đáp ứng được đầy đủ và kịp thời. Nhưng với sự quyết tâm khắc phục khó khăn, các cấp, các ngành và nhân dân của huyện Tân Phước cùng nhau ra sức bảo vệ an toàn diện tích rừng của huyện.
Với các phương án bảo vệ rừng được đề ra thực hiện như: Ban Chỉ huy PCCCR các xã tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng các loại phương tiện, dụng cụ, nhiên liệu, hậu cần để có bổ sung kịp thời, đồng thời bố trí lực lượng trực và tham gia chữa cháy.
Tiến hành kiểm tra và thống kê các hộ có diện tích rau màu, lúa, khoai mỡ, khóm nằm xen lẫn trong rừng. Những hộ đi lấy mật ong trong rừng vào mùa khô. Những thương lái cho công nhân vào trạm trú trong rừng để thu hoạch rừng… Vận động cho họ ký cam kết không vi phạm các quy định về PCCCR, đặc biệt là đốt đồng và xả tàn thuốc trong rừng vào mùa khô.
Khoanh vùng trọng điểm có khả năng xảy ra cháy để có biện pháp PCCCR đạt hiệu quả. Vận động nhân dân trồng rừng thường xuyên rừng, vệ sinh rừng tràm tạo sự thông thoáng. Cùng với đó, các ngành chức năng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những người vào rừng mang theo nhiên liệu gây cháy.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCCCR từ huyện đến xã thường xuyên kiện toàn, phân công trách nhiệm các thành viên phụ trách từng địa bàn để theo dõi chỉ đạo kịp thời các biện pháp PCCCR trong mùa khô. Triển khai kế hoạch PCCCR quán triệt trong nội bộ, ban ngành đoàn thể và nhân dân nhận thức rõ, đúng đắn công tác PCCCR trong mùa khô.
Mỗi ấp ở mỗi xã thành lập một đội xung kích làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra. Riêng ở cấp huyện đã thành lập một đội chữa cháy trực 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu từ cấp xã.
Tiến hành rà soát các điểm cần thiết để xây dựng mới và củng cố lại các bảng cấm báo cháy; kiểm tra tu sửa các phương tiện, máy móc chữa cháy. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra, kiểm tra ở những khu vực rừng trọng yếu…
Về phương tiện chữa cháy, ở Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, trong đó công an huyện được trang bị 2 máy chữa cháy chuyên dùng, 1.000m dây chữa cháy, 2 ca nô; huyện Đội Tân Phước có 1 máy chữa cháy chuyên dùng, 500m dây chữa cháy; trại giam Phước Hòa và trại giam Mỹ Phước được trang bị 4 máy chữa cháy, 2.000m dây chữa cháy. Ngoài ra, máy, dây chữa cháy còn được trang bị ở 5 xã: Thạnh Tân, Mỹ Phước, Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ và Tân Hòa Đông.
PCCCR được huyện Tân Phước xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung thực hiện của địa phương trong các tháng mùa khô. Với mục đích là quyết tâm bảo vệ an toàn diện tích rừng của huyện; đồng thời chủ động, kịp thời ứng phó với nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra nhằm giữ vững ổn định rừng trên địa bàn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các ngành và chủ rừng trong công tác PCCCR.
Nguồn Báo Ấp Bắc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.