Huyền thoại sông Hàn

 

 

       Với chiều dài khoảng 20 km, Sông Hàn cùng với núi non hùng vĩ tựa như tấm bình phong ôm ấp, bao bọc lấy thành phố khúc ruột của miền Trung. Nó là niềm kiêu hãnh, tự hào, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, khát vọng không ngừng phấn đấu đi lên của người dân Đà Nẵng. Đây còn là một trong những điểm tham quan hấp dẫn, thú vị cho những ai tìm đến với Đà Nẵng.

Trải dọc miền đất nước có đến hàng ngàn con sông. Mỗi một dòng sông đều mang một hình hài, một dáng vẻ, một ý nghĩa khác nhau.

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả bóng xuống dòng sông lấp loáng..

Ấy là những vần thơ đẹp đẽ, giàu cảm xúc, gợi mở hình ảnh dòng sông Trà Bồng thơ mộng của quê hương đất Quảng trong thơ Tế Hanh.

Hay ta có thể bắt gặp hình ảnh một dòng sông lạ, dòng sông của những quan niệm nhân sinh đặc biệt “chảy” trong thơ Huy Cận:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.


Sông Hàn cũng vậy! Nó là đứa con tinh thần được thai nghén bởi khát vọng “hoá rồng” tự bao đời của người dân nơi đây.


 
Ngày hội trên sông Hàn


Tương truyền, Đà Nẵng được sinh ra bởi một quả trứng rồng, vỏ quả trứng tách ra thành năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn sừng sững mà linh thiêng. Chú rồng con mới nở đã tìm đường ra biển tạo nên dòng Sông Hàn lung linh, huyền ảo.

Với chiều dài khoảng 20 km, Sông Hàn cùng với núi non hùng vĩ tựa như tấm bình phong ôm ấp, bao bọc lấy thành phố khúc ruột của miền Trung. Nó là niềm kiêu hãnh, tự hào, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, khát vọng không ngừng phấn đấu đi lên của người dân Đà Nẵng. Đây còn là một trong những điểm tham quan hấp dẫn, thú vị cho những ai tìm đến với Đà Nẵng.

Ai cũng phải khẳng định Sông Hàn đẹp nhất có lẽ là vào ban đêm. Những ánh đèn ngũ sắc toả ra từ những toà cao ốc trải dọc hai bên ven sông chiếu rọi xuống mặt nước kết hợp những cơn sóng nhấp nhô trêu đùa khiến cho mặt sông như bừng tỉnh. Một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo đầy mê hoặc tác động trực tiếp vào các giác quan. Những cơn gió nhẹ nhàng như bàn tay người thiếu nữ đang mân mê mái tóc tạo cảm giác đê mê, cảm giác ngây ngất của cơn buồn ngủ chợt ùa đến. Tiếng ầm ầm của động cơ làm tôi chợt tỉnh mộng. Đó chính là những chiếc thuyền chuyên chở những du khách có nhu cầu thưởng ngoạn trên sông. Xa xa, những chiếc thuyền hoa đăng được thả đang dập dềnh, nhấp nhô trên mặt nước. Cũng là hình ảnh hoa và người, hình như phảng phất đâu đó trong hồn thơ Quang Dũng:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đung đưa.

Đang miên man theo những hồi tưởng xa xôi khiến thời gian trôi qua thật nhanh mà không sao ngăn nổi, kim đồng hồ đã điểm 12h, thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới đã đến. Một ngày mới lại bắt đầu. Những con tàu đang neo đậu hai bên bờ sông đang đếm từng nhịp đập hơi thở của thời gian để được xuôi ngược trên sông. Cuối cùng thì nỗi mong chờ cũng được đáp ứng. Đúng 1h00’ nhịp cầu quay một góc 90 độ đủ kịp giờ cho những chuyến tàu trên hành trình mới. Hai bờ Đông - Tây tạm chia lìa, nhưng đó chỉ là sự xa cách tạm thời. Khi những con tàu xuôi ngược trên hành trình mới của mình, “hai bờ thương nhớ” sẽ được nối lại mà không để lại vết tích nào của sự xa cách, thoảng như cơn gió vậy.


 
Sông Hàn lung linh huyền ảo khi màn đêm buông xuống


Cầu quay cũng chính là hoạt động náo nhiệt cuối cùng diễn ra trên sông. Sông Hàn lại trở về với chính mình. Nó ngoan ngoãn, hiền oà, êm dịu như đứa trẻ mới thôi nôi vậy. Những lớp sóng khẽ nhấp nhô như bàn tay người mẹ đưa nôi ru con vào giấc mộng. Cũng như bao người dân sinh sống và làm việc nơi đây đã và đang chìm sâu vào giấc mộng, Sông Hàn cũng sẽ chìm vào giấc ngủ để tái tạo nguồn năng lượng kịp đón chào ngày mới tươi đẹp hơn.