Iran bước ra từ cổ tích “Nghìn lẻ một đêm”

Iran nằm ở khu vực Tây Á là xứ sở “nghìn lẻ một đêm”, một điểm chặng quan trọng trên con đường tơ lụa huyền thoại nối liền châu Á với châu Âu sở hữu nhiều di sản vô giá, vô số kho báu khảo cổ, và các công trình kiến trúc trên cả tuyệt vời… Thế nhưng, hãy khám phá Tehran, Shiraz, Isfahan – những thành phố mang đậm dấu ấn di tích, bạn sẽ cảm nhận sự độc đáo giữa nét cổ xưa pha lẫn nét trẻ trung, hiện đại.

Viên ngọc sáng Tehran

Viên ngọc sáng Tehran

Thành phố xây dựng men theo núi đồi, và vào thu, những hàng cây phong nhuộm sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ, làm cả kinh thành Ba Tư đẹp lung linh. Tehran mang phong cách đặc trưng của một đô thị vùng Tây Á với nhiều mái vòm thánh đường Hồi giáo cổ kính xen kẽ nhiều công trình kiến trúc hiện đại một cách hòa hợp khiến bạn cảm thấy thú vị. Nằm ngay cổng vào Tehran là tháp Azadi – một “Khải Hoàn Môn của Iran” mang đậm kiến trúc hiện đại kết hợp với phong cách Hồi giáo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 50.000m². Nơi đây có một bảo tàng và nhiều đài phun nước, dưới tòa tháp trồng nhiều hoa thơm, cỏ lạ… là nơi “check-in” của nhiều du khách viếng thăm Tehran.

Iran bước ra từ cổ tích “Nghìn lẻ một đêm”

Nhưng một di tích lịch sử nổi bật hơn cả và được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2013 đó chính là cung điện Golestan. Công trình kiến trúc này là một kiệt tác vĩ đại của triều đại Qajar, bao gồm 17 tòa lâu đài, bảo tàng, cùng nhiều bức tường tranh bùn tuyệt đẹp gắn liền với lịch sử của Tehran. Cung điện xây dựng dưới triều đại Safavid (1502-1736), đồng thời cũng là nơi ở của hoàng gia Qajar sẽ khiến bạn kinh ngạc bởi vô số châu báu, ngọc ngà và các bức họa tinh xảo được trưng bày hoành tráng và đẹp mắt. Ngước nhìn những trần hình mái vòm rộng thênh thang và những cây cột đường bệ, bạn càng không muốn rời mắt bởi những khối hình lung linh như kính vạn hoa ngập tràn màu sắc, tất cả được thiết kế một cách tỉ mỉ và trau chuốt. Golestan minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật thủ công truyền thống và kiến trúc Ba Tư cổ kính, huyền thoại.
Nét duyên thầm Shiraz

Nét duyên thầm Shiraz

Nằm phía tây nam Iran, thành phố Shiraz là kinh đô của nước Ba Tư xưa, được mệnh danh là “thành phố của hoa hồng”, nơi có nhiều vườn hoa tuyệt mỹ ngát hương như Narenjestan và Paradise. Tuy nhiên, Shiraz lại nổi tiếng với vô vàn lăng mộ trông như một bảo tàng nghệ thuật sống động. Trong đó, khu lăng mộ Shah Cheragh – “Vị vua của ánh sáng” được coi là công trình tráng lệ nhất, đón hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Các bức tường, mái vòm của lăng mộ được khảm nhiều loại đá màu óng ánh, kết hợp với ánh sáng từ những ngọn đèn chùm tạo nên khung cảnh lộng lẫy làm mê đắm lòng người. Các mẫu hoa văn truyền thống được ghép từ đá là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thể hiện trình độ điêu luyện của thợ thủ công Ba Tư.

Iran bước ra từ cổ tích “Nghìn lẻ một đêm”

Ngoài ra, còn có đền thờ Hồi giáo Regent nổi tiếng với phòng cầu nguyện to lớn và nhiều cột xoắn, hay Vakil Complex – một khu chợ “Bazaar” truyền thống với những con đường có mái vòm ấn tượng và nhiều tranh ghép độc đáo khiến ai cũng phải ngẩn ngơ. Đặc biệt, cách Shiraz khoảng 70km về phía đông bắc, những phế tích lộng lẫy của Persepolis luôn mê hoặc bất kỳ ai đặt chân đến. Đứng trước những vết tích còn sót lại của các cung điện, hàng cột, hầm mộ ở Persepolis, bạn có thể hình dung thời hoàng kim của đế chế Ba Tư xưa.
Những cây cầu cổ thắp sáng Isfahan

Những cây cầu cổ thắp sáng Isfahan

Isfahan từng là thủ đô xứ Ba Tư và là thành phố của những kiệt tác kiến trúc cung điện, nhà thờ Hồi giáo mái vòm… Nhưng điều khiến bạn mê mệt chính là những cây cầu cổ nơi đây vẫn đứng vững qua bao thăng trầm lịch sử. Từ cây cầu Sioseh Pol có 33 vòm, 40 cây cột, xây dựng năm 1602 bắc qua sông Zayandeh và cung điện Chehel Sotoun, đến cây cầu Khaju với lối đi trồng đầy hoa hồng được xem là những cây cầu đẹp nhất thành phố. Những tối cuối tuần, dưới vòm những cây cầu tấp nập du khách hòa và người dân say mê thưởng thức giai điệu của các ca sĩ biểu diễn ngoài trời.

Iran bước ra từ cổ tích “Nghìn lẻ một đêm”

Đến Isfahan bạn sẽ thấy vẻ đẹp hoàng kim của một thành phố nghệ thuật Hồi giáo và trung tâm văn hóa tinh thần từ thời Phục hưng. Trong đó, không thể không kể đến quảng trường Naqsh-e Jahan, một di tích lịch sử quan trọng của Iran được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ở giữa quảng trường là đền thờ Hồi giáo Sheikh Loftollah với mái vòm ấn tượng và bốn ngọn tháp nhỏ. Về đêm, nơi đây càng trở nên huyền ảo với ánh sáng dịu nhẹ quanh đền thờ, làm nổi bật các tranh ghép và mái vòm. Đây cũng là lúc người dân và du khách kéo ra quảng trường thư giãn, vui chơi giải trí.

Nguồn Viettravel