Iran gặp vận đen dù họ cố tỉnh táo trong “ván cờ” chết người với Mỹ
Hành động nguy hiểm và tàn khốc từ phía Mỹ
Trong cả năm 2019, mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã căng thẳng sẵn. Vào đầu năm 2020, tình trạng căng thẳng đó lên đến đỉnh điểm như bên bờ vực chiến tranh khi quân đội Mỹ, với sự hỗ trợ của mạng lưới tình báo, bất ngờ tung đòn không kích giết chết tướng Iran Qassem Soleimani vào sáng sớm ngày 3/1, ngay tại Sân bay Quốc tế Baghdad ở Iraq.
Cuộc đấu trí căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei. Ảnh: AFP, Business Insider.
Vụ ám sát tướng Soleimani bằng phi cơ không người lái (UAV) thực sự bất ngờ và rùng rợn. Nó gây ngạc nhiên cho cả công chúng Mỹ lẫn đồng minh của Mỹ. Hành động táo tợn đó gây tranh cãi cả trong nội bộ Mỹ về khía cạnh pháp lý. Ngoại trưởng Nga cũng lên tiếng khẳng định vụ sát hại này là trái với luật pháp quốc tế. Chính phủ Iraq, nơi xảy ra vụ ám sát, cũng nói rằng Mỹ đã vi phạm chủ quyền quốc gia của mình.
Trong vụ việc này, bằng 4 quả tên lửa Hellfire chỉ trong thời gian cực ngắn, Mỹ đã sát hại không chỉ tướng Iran Soleimani (chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ bên trong Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran) mà còn cả vài trợ lý Iran của ông, qua đó gây chấn động hàng ngũ cấp cao Iran về mặt danh dự và cả khía cạnh an ninh nữa. Vì Soleimani được đánh giá là nhân vật có ảnh hưởng số 2 ở Iran chỉ sau có Lãnh tụ tối cao Đại giáo chủ Khameni. Nếu Soleimani có thể bị giết chóng vánh như thế thì về lý thuyết Mỹ có thể dễ dàng đoạt mạng cả những quan chức cấp cao khác của Iran.
Rõ ràng Mỹ, cụ thể là Tổng thống Trump và các phụ tá của ông, đã sẵn sàng chơi ván cờ chết người với Iran bằng việc phê chuẩn ám sát Soleimani. Trong ván cờ thế đó, ai đi sai dù chỉ một nước sẽ bị chiếu tướng tức thì.
Về phía Iran, do bối rối, do xúc động, và do công tác tổ chức kém nên đã xảy ra sự cố giẫm đạp lên nhau trong tang lễ dành cho Soleimani ở Iran. Hậu quả là có thêm 56 người dân Iran chết oan cùng hàng trăm người khác bị thương.
Mỹ gây thiệt hại nặng, tạo thế khó xử cho Iran
Vụ ám sát tướng Iran vào ngày 3/1/2020 thực sự đã gây thiệt hại lớn cho Iran ngay từ lúc đó. Iran đã mất đi một viên tướng có đầu óc chiến lược và có tầm ảnh hưởng trong quân đội và xã hội Iran. Không những vậy, niềm tự hào của một dân tộc, một đất nước đã bị đụng chạm nặng nề.
Chính quyền Iran ngay sau đó đứng trước áp lực từ các đồng minh và từ chính dân chúng của mình. Họ buộc phải phản ứng, không chỉ bằng lời nói mà còn cả hành động thực địa, ít nhất là ở mức độ tương xứng.
Hai căn cứ quân sự Mỹ (đánh dấu bằng chấm đỏ) bị Iran không kích bằng tên lửa vào sáng 8/1. Thông tin: Bộ Quốc phòng Mỹ; đồ họa: CNN.
Tuy nhiên, việc lựa chọn cách thức phản ứng không phải là điều dễ dàng đối với Iran trong bối cảnh hiện nay. Nền kinh tế của họ đang khó khăn, nền chính trị có nhiều bất ổn định với các cuộc biểu tình… Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tung nhiều đòn trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Iran. Nếu phản ứng của Iran không chính xác, Mỹ có thể dễ dàng lấy cớ để dùng vũ lực quân sự tấn công Iran trên quy mô lớn, đồng thời siết chặt bao vây cấm vận.
Quả thực Mỹ không phải “vừa đâu” trong tình huống gây hấn lần này – họ đã tính toán kỹ càng, chủ động tiêu diệt một mục tiêu có giá trị, trên lãnh thổ không phải thuộc Iran, chứ không phải là tiêu diệt hàng loạt quân nhân Iran ngay trên đất Iran. Mỹ cũng đã quy hàng loạt tội lỗi cho viên tướng để biện minh cho việc sát hại ông.
Bài toán đặt ra cho Iran còn khó ở chỗ nếu Iran đáp trả quân Mỹ trên đất Iraq thì sẽ lại động chạm đến vấn đề chủ quyền của Iraq. Ngoài ra, nếu Iran tấn công không chính xác, hỏa lực của họ có thể trúng dân thường Iraq, từ đó lại gây ra khủng hoảng ngoại giao tệ hại cho Iran. Còn nếu trúng lính Mỹ thì nhiều khả năng Mỹ sẽ không để yên, vì như Tổng thống Trump đã nói, cơn thịnh nộ của Mỹ sẽ dồn lên 52 mục tiêu ở Iran.
Thực sự Iran cần trả thù cho tướng Soleimani nhưng họ chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến đẫm máu và kéo dài vào lúc này. Họ cần hòa bình. Họ chắc chắn đã rút ra nhiều bài học từ cách phản ứng thái quá với Đại sứ quán Mỹ ở Iran vào năm 1979 và từ kinh nghiệm của nhiều nước khác trong cuộc đối đầu với Mỹ.
Iran “chơi” đòn cân não đáp trả như thế nào?
Mọi thứ thật khó lường như vậy nên thế giới đã hồi hộp nín thở chờ đợi Iran đáp trả Mỹ. Và Iran đã bắn thật, với một loạt 22 quả tên lửa đạn đạo phóng từ lãnh thổ Iran sang Iraq, rơi xuống 2 căn cứ có quân Mỹ đồn trú vào sáng sớm ngày 8/1/2020 (theo giờ địa phương).
Đây là lần đầu tiên Iran tấn công trực diện vào Mỹ về mặt quân sự kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắn rất chính xác, trúng được nhiều mục tiêu bên trong 2 căn cứ trên, bao gồm nhiều tòa nhà của căn cứ.
Đáng lưu ý, Iran bắn một loạt tên lửa đạn đạo uy lực như vậy nhưng lại không gây thiệt hại về người cho cả Iraq và Mỹ (theo xác nhận của hai nước này).
Ngay trước giờ bắn, Iran đã kịp thông báo cho đồng minh Iraq để thể hiện sự tôn trọng cũng như để giúp Iraq sơ tán người kịp thời trước làn đạn của Iran (mà khi Iran làm thế, Mỹ cũng sẽ được biết thông tin đó nhờ vào quan hệ Mỹ-Iraq hiện nay). Không những vậy, Iran còn tấn công vào sáng sớm, vào giờ lính Mỹ cơ bản đi ngủ, không tuần tra huấn luyện. Các căn cứ bị tấn công lại nằm ở vùng xa, hẻo lánh, dân cư thưa thớt.
Thực tế này cho thấy có khả năng cao là Iran cố tình bắn không trúng lính Mỹ và không gây thương vong cho lính Mỹ, nhưng vẫn phô diễn được vũ khí và trình độ bắn chính xác của mình. Thông điệp đã trở nên rõ ràng: Iran muốn bảo vệ danh dự, trả thù cho tướng Soleimani, răn đe Mỹ chớ có phiêu lưu, nhưng vẫn thể hiện sự chừng mực, thiện chí, không muốn bắt Mỹ phải trả “nợ máu” để từ đó làm căng thẳng leo thang nguy hiểm.
Cách trả đũa bằng tên lửa đạn đạo tuy mạo hiểm nhưng vẫn ít rủi ro hơn so với dùng máy bay ném bom hoặc phi cơ không người lái (khó thực hiện hơn), đồng thời thể hiện được năng lực tiêu diệt hàng loạt (nên có sức răn đe lớn).
Iran đã chủ động lùi vì họ biết thế khó của mình – đã bị bao vây bao năm và không có nhiều đồng minh tin cậy và đủ lớn, sẵn sàng sống chết vì mình. Nói cách khác, Iran đã tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy khiêu khích của đối phương.
Vận đen vẫn còn với Iran
Đúng là vận đen vẫn chưa buông tha Iran. Sau vụ 56 người Iran giẫm đạp lên nhau đến chết, lại còn một điều khủng khiếp nữa xảy đến với quốc gia Trung Đông này: Ngày 8/1/2020, chỉ vài tiếng đồng hồ sau loạt tên lửa trả đũa, Iran đã vô tình bắn nhầm (bằng tên lửa phòng không) một máy bay chở khách của hàng không Ukraine, khiến tổng cộng 176 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 82 công dân Iran và 63 công dân Canada.
Sự kiện này phản ánh tâm lý căng thẳng ở Iran trong cuộc đối đầu với Mỹ. Sáng 8/1, khi họ phóng hàng loạt tên lửa vào căn cứ Mỹ là họ đã “vuốt râu hùm” của một siêu cường hàng đầu chứ không phải chuyện đùa nữa rồi.
Trong tâm lý căng cứng do phải nghênh đón phản đòn của Mỹ, lực lượng phòng không Iran đã mắc sai lầm và nhận diện máy bay dân sự Ukraine thành tên lửa hành trình và ra tay đánh chặn một cách tai hại.
Iran lại bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng mới: Sức ép lên án và đòi bồi thường từ phương Tây và sức ép từ những người biểu tình và chê bai chính phủ trong nội bộ đất nước Iran. Một số nước phương Tây lên án Iran đã vô trách nhiệm khi vẫn mở cửa không phận trong lúc có chiến sự, còn một bộ phận dân chúng Iran chê lực lượng quân sự nước này là yếu kém, không hiệu quả – họ tỏ ra mệt mỏi trước cả Tổng thống Mỹ Trump lẫn Lãnh tụ tối cao của Iran Khamenei.
Iran đã bộc lộ sự lúng túng khi ban đầu thì phủ nhận chuyện bắn nhầm máy bay Ukraine, coi đó là đòn tâm lý chiến của phương Tây, nhưng chỉ một thời gian sau đó (vào ngày 11/1/2020) lại thừa nhận là đã bắn nhầm. Sự cố này rõ ràng khó che giấu vì nó liên quan đến hãng bay nước ngoài và công dân phương Tây, lại xảy ra ngay gần sân bay quốc tế ở thủ đô Tehran (chứ không phải một nơi xa xăm nào đó). Báo chí và tình báo phương Tây đã phân tích và dự báo chính xác về khả năng phòng không Iran đã mắc sai lầm chết người đó.
Như vậy Iran lại một lần nữa bị dồn ép vào tình thế khó. Chỉ từ 4 quả tên lửa Hellfire hôm 3/1/2020, Mỹ đã trực tiếp giết chết 4 hoặc 5 người thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, rồi qua đó gián tiếp dẫn tới cái chết của 56 thường dân Iran dưới mặt đất và sau đó là 82 công dân Iran đi máy bay. Tang thương chồng lên tang thương ở Iran và giới lãnh đạo quốc gia này tất yếu chịu nhiều búa rìu cả trong và ngoài nước.
Dù Iran đã sớm chủ động nói lời xin lỗi về vụ bắn nhầm máy bay và cam kết hợp tác tích cực để khắc phục hậu quả (một sự xuống thang rất đáng kể), các thách thức đang đợi họ phía trước vẫn rất lớn và ngổn ngang, đòi hỏi phải vô cùng tinh tế và tỉnh táo thì mới mong vượt qua một cách ổn thỏa.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.