Kẻ ăn không hết, người lần không ra

      Trong thông báo mới nhất được Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) đã đưa ra cho thấy 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu bị thất thoát trong bối cảnh khủng hoảng lương thực đang trở thành một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất.

Trong khi trẻ em châu Phi chịu cảnh đói nghèo thì vẫn có 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm.

1,3 tỷ tấn lương thực đi đâu?

Truyền thông thế giới gần đây liên tục nhắc đến nguy cơ khủng hoảng lương thực là hệ quả của biến đổi khí hậu. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 4 cho rằng, giá thực phẩm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước đã đẩy thêm 44 triệu người dân vào cảnh đói nghèo. Thế nhưng, con số 1,3 tỷ tấn lương thực (tương đương 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu) bị thất thoát và lãng phí hàng năm đã đặt dấu hỏi lớn đến trách nhiệm của từng quốc gia.

Theo FAO, con số này gồm cả mức lãng phí 670 triệu tấn từ các nước công nghiệp và 630 triệu tấn từ các nước đang phát triển. Theo đó, mỗi năm người tiêu dùng ở những nước giàu lãng phí khoảng 222 triệu tấn lương thực (gần bằng sản lượng lương thực của cả khu vực châu Phi 230 triệu tấn).

Thống kê cho thấy, rau củ quả là loại lương thực bị lãng phí nhiều nhất. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có đủ kho dự trữ nên nhà bán lẻ phải bỏ những lương thực không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đã góp phần lãng phí lương thực. Trung bình mỗi năm, một người tiêu dùng châu Âu và Bắc Mỹ vứt bỏ 95 - 115kg lương thực, còn người tiêu dùng khu vực châu Phi, Nam và Đông Nam Á vứt bỏ khoảng 6-11kg.

Theo FAO, các nước đang phát triển thiếu lương thực vì cách bảo quản và quy trình chế biến sai. Ngược lại, tại các nước công nghiệp, không ít lương thực lại bị tống vào thùng rác. Cần sớm khắc phục tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” như thế này. Thất thoát và lãng phí lương thực cũng dẫn đến việc lãng phí các nguồn lực khác như nước, đất, năng lượng, lao động và vốn, đồng thời tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính một cách không cần thiết, góp phần làm trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ đẩy giá lương thực lên cao, đe dọa chất lượng sống của con người.

Kiểm soát giá lương thực

FAO kêu gọi các quốc gia châu Á cần thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp để kiểm soát giá lương thực. Giá lương thực ở châu Á vẫn cao mặc dù lần đầu tiên trong 9 tháng qua đã giảm chút ít trong tháng 4. Giá gạo, lương thực chính ở các nước châu Á giảm 2% ở Campuchia và Sri Lanka, 0,5% ở Bangladesh nhưng so với 1 năm trước, giá lương thực vẫn cao hơn nhiều. Giá gạo ở Bangladesh cao hơn năm ngoái 29%, ở Trung Quốc cao hơn 25%. FAO dự báo sản xuất lúa gạo tăng 2% trong năm 2011 nhưng sản lượng lúa mì lại giảm. Dù sản lượng lúa gạo tăng nhưng sẽ vẫn không thể đáp ứng mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm 50% số người đói vào năm 2015.

Đại diện FAO tại châu Á - Thái Bình Dương, Hiroyuki Konuma cho rằng giá lương thực trên toàn khu vực này vẫn cao và người nghèo chịu thiệt thòi nhiều nhất. Giá lương thực cao, các hộ nghèo ở châu Á đang phải dành tới 70% thu nhập để mua lương thực.

Ông Konuma kêu gọi các nước châu Á thực hiện các biện pháp khẩn cấp và thận trọng ngăn chặn tái phát cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008. Bên cạnh đó, các nước cần thiết lập mạng an sinh xã hội cho người nghèo và xây dựng các kho dự trữ lương thực cho tình trạng khẩn cấp, cải thiện an ninh lương thực và thông tin thị trường lương thực để đẩy lùi nguy cơ đầu cơ và mua bán hoảng loạn các mặt hàng lương thực.