Kết quả kiểm toán nhà nước năm 2011: Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ 8.416 tỷ đồng
Sáng 18/7/2012, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo công bố kết quả các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2011. Trong đó, 19/21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kiểm toán vẫn có lãi, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn: tapchitaichinh.vn
Tuy nhiên, còn 2 doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 8.416 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và phải thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.
Ngoài ra, KTNN cũng đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 20 bộ, cơ quan trung ương; 34 tỉnh, thành phố; 37 dự án đầu tư; 9 chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; 6 chuyên đề; 27 doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng; 17 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng-an ninh; tỉnh ủy 9 tỉnh; kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010 tại Bộ Tài chính…
Kết quả năm 2011, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 27,5% dự toán, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực trong quản lý thu NSNN của các bộ, ngành, địa phương. Về kết quả kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của 129 doanh nghiệp nhà nước và kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của 1.155 đối tượng nộp thuế tại 34 địa phương, KTNN đã xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 426 tỷ đồng; tại 29 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và tổ chức tài chính, số thuế, phí và các khoản khác phải nộp tăng thêm sau kiểm toán là hơn 589,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN chưa khắc phục được nhiều. Kiểm toán 272 đơn vị thuộc 20 bộ, ngành và 303 đơn vị thuộc 34 địa phương, KTNN xác định các khoản thuế, phí phải nộp NSNN tăng thêm 238,4 tỷ đồng.
Công tác quản lý thu cũng đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn hạn chế như một số sai phạm trong công tác quản lý các khoản thu từ đất chậm khắc phục trong việc ban hành giá cho thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án chưa phù hợp với quy định, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định…; nợ đọng thuế nội địa và xuất nhập khẩu đều tăng so với năm trước; các đối tượng nộp thuế chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật trong đăng ký, kê khai thuế, nộp NSNN… KTNN kiến nghị tăng thu tiền sử dụng đất hơn 340 tỷ đồng (Hà Nội 52 tỷ đồng, Bình Dương 30 tỷ đồng, Vĩnh Long 7 tỷ…) và các khoản thuế nội địa 1.228,6 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực chi ngân sách, theo kết quả kiểm toán thì cả 34/34 tỉnh, thành phố đều vượt dự toán chi thường xuyên, trong đó có 8 tỉnh có mức vượt trên 25% (Quảng Ngãi 54%, Hà Tĩnh 42,4%, Hà Nội 26,34%…), tại 26 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, 30 địa phương chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn.
Đối với tình hình quản lý tài chính, KTNN đánh giá: Tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao (nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 50,88%; Tổng công ty Xây dựng đường thủy 37,58%; Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi 31,13%; Tập đoàn HUD 22,73%…).
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của nhiều tập đoàn, tổng công ty đạt thấp, nhiều tập đoàn, tổng công ty có kết quả kinh doanh giảm do với năm 2009. Như tại công ty mẹ - Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,94%, vào lĩnh vực cơ khí, đóng tàu là 4,61%, vào lĩnh vực khác chỉ 0,41%; Tại công ty mẹ- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,83%; vào viễn thông lỗ 1.057,7 tỷ đồng (chưa bao gồm 1.026 tỷ đồng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006- 2008); Tại công ty mẹ- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính là 12,51%; Tại công ty mẹ- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán là 8,63%. Hoạt động đóng tàu, bất động sản của Vinalines chưa thu được lợi nhuận dù đã đầu tư nhiều năm.
Đáng chú ý, 11/21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh chủ yếu trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Trong đó, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao nên dễ gặp nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính. Có doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn. Ví dụ, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là 9,19 lần, của Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng là 4,79 lần, của Tập đoàn HUD là 4,01 lần; của EVN là 3,83 lần, của Vinalines 3,12 lần, Vinacomin là 2,15 lần…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.