Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

(THTG) Ngày 22/10, tại Hội trường Diên Hồng, tòa Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV đã khai mạc.

Trước phiên khai mạc, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phiên họp trù bị trước đó, các vị đại biểu Quốc hội làm lễ mặc niệm nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, đại biểu Quốc hội khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh; đại biểu Lê Minh Thông, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 22/10 đến 21/11, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao, công tác nhân sự và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội.

vlcsnap-2018-10-22-15h55m19s059

vlcsnap-2018-10-22-15h52m48s352

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Minh Trí

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế – xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Tại kỳ họp lần thứ 6 này, bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 03 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

vlcsnap-2018-10-22-15h52m01s111

vlcsnap-2018-10-22-15h52m17s175

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật và 01 Nghị quyết. Ảnh: Minh Trí

Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật và 01 Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến 06 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.

Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung quan trọng, vì vậy đề nghị các vị đại biểu Quốc hội căn cứ vào tình hình thực tế đất nước và địa phương nơi mình đại diện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

vlcsnap-2018-10-22-15h55m31s602

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp. Ảnh: Minh Trí

Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019…

Minh Trí