Khai mạc Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI

Tối 10-3, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đác Lắc phối hợp các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND các tỉnh Tây Nguyên (gồm Đác Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) tổ chức khai mạc Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Tới dự, có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; các Đại sứ, Tổng lãnh sự, tổ chức quốc tế. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đác Lắc (10-3-1975 – 10-3-2017).


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày tại triển lãm chuyên ngành cà-phê trong khuôn khổ Lễ hội. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”, lễ hội nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và khẳng định sản phẩm cà-phê Việt Nam nói chung, cà-phê Buôn Ma Thuột – Đác Lắc nói riêng; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhất là giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”; đồng thời là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư vào Đác Lắc nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định giá trị thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột trên thị trường trong nước và thế giới; ghi nhận, biểu dương những thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước; đề nghị các tỉnh Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên quy hoạch vùng đất trồng, nghiên cứu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, thâm canh, chế biến cà-phê. Đồng thời, tăng cường hợp tác, học tập thế giới phương thức chăm sóc, chế biến, xúc tiến thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cây cà-phê Việt Nam. Các bộ, ngành cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho ngành cà-phê Việt Nam nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng phát triển bền vững… Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Tây Nguyên tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta tiếp tục tỏa sáng cùng sự phát triển của đất nước.

Ngay sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc, do đông đảo nghệ sĩ, ca sĩ, các đoàn nghệ thuật biểu diễn; ngợi ca Đảng, Bác Hồ, Tây Nguyên đổi mới, giàu đẹp…

Lễ hội diễn ra đến 12-3 gồm ba chương trình lớn là Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ IV; với nhiều chương trình, hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà-phê; triển lãm thời sự, nghệ thuật về cà-phê; âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên; Hội thảo triển vọng ngành hàng cà-phê; Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên; lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; lễ hội đường phố…

Nguồn Báo Nhân Dân