Khánh thành cầu Cao Lãnh nối đôi bờ sông Tiền
Khánh thành cầu Cao Lãnh được xem là sự kiện lớn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Ước mơ nhiều năm về một cây cầu nối đôi bờ sông Tiền của người dân Đồng Tháp và khu vực đã trở thành hiện thực.
Cầu Cao Lãnh được khởi công vào tháng 10-2013, bắc qua sông Tiền với chiều dài hơn 2km và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống dài 21,45km, đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).
Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu. Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng, nhịp chính dài 350m; chiều cao thông thuyền 37,5m; trụ tháp hình chữ H cao 123,4m; mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng kinh phí xây dựng cầu Cao Lãnh và tuyến đường nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống khoảng 7.500 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc (tài trợ cầu Cao Lãnh), vốn vay ADB và đối ứng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc dự án “Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL” khi đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhiều mặt đối với sự phát triển của Đồng Tháp; không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh cho cả vùng ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện tỉnh đang triển khai đầu tư tuyến đường ĐT.852B giai đoạn 2 và các tuyến đường theo quy hoạch kết nối với cầu Cao Lãnh và các tuyến đường Quốc lộ N2, Quốc lộ 30 là các tuyến giao thông đối ngoại của tỉnh Đồng Tháp với TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL. Từ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đồng Tháp thu hút đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống logistics, tạo lợi thế cạnh tranh để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành công nghiệp, nông nghiệp, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh được nhanh hơn.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ GTVT, tỉnh Đồng Tháp, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các ngành liên quan… trong việc thực hiện hoàn thành dự án cầu Cao Lãnh, góp phần kết nối giao thông khu vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển kinh tế cho Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực.
Để công trình này phát huy hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị quản lý sử dụng, khai thác hiệu quả, đảm bảo tính mỹ quan, môi trường khu vực, khai thác tốt các tuyến kết nối; yêu cầu UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đảm bảo an sinh cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng cảm ơn Chính phủ Úc đã hỗ trợ nguồn vốn cho Việt Nam xây dựng cầu Cao Lãnh. Cùng với cầu Mỹ Thuận thì cầu Cao Lãnh là hình mẫu sử dụng có hiệu quả nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Úc. Cầu được khánh thành đúng vào dịp 2 nước kỷ 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 20 năm thiết lập quan hệ quốc phòng. Không chỉ có ý nghĩa về kinh tế – xã hội, cầu Cao Lãnh còn trở thành một biểu tượng đẹp cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Úc, qua đó nâng mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Bà Julie Bishop, Ngoại trưởng Úc cho biết, khi cầu Cao Lãnh được khánh thành đã biến giấc mơ của người dân thành sự thực; thắt chặt hơn tình hữu nghị Việt – Úc và mối quan hệ 2 nước sẽ ngày càng bền chặt…
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.