Khổ vì đồng phục

       Thay vì tự hào khi mặc đồng phục của trường, với nhiều phụ huynh và HS, đây lại là nỗi ám ảnh mỗi khi năm học mới bắt đầu.

Mỗi năm thay đổi một lần!

Nhiều phụ huynh phàn nàn, mỗi năm nhà trường đổi đồng phục một lần, chỉ thay đổi màu sắc hoặc vài chi tiết nhỏ nhưng cũng khiến cho những bộ đồng phục của năm trước dù vẫn vừa nhưng đành bỏ xó.

phụ huynh mua đồng phục bên ngoài  
Ngày càng ít phụ huynh mua đồng phục bên ngoài vì phần đông các trường có quy định riêng về đồng phục - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một phụ huynh của Trường tiểu học Đ.K - Q.Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: “Năm nay đồng phục của trường thay đổi một chút thôi, mặc dù cháu nhà tôi không lớn hơn năm ngoái đáng kể nhưng vẫn phải mua đồng phục mới. Điều đáng nói là thay đi đổi lại hằng năm nhưng chưa năm nào thấy được bộ đồng phục như ý. Kiểu dáng xấu đã đành, chất liệu lại rất nóng”. Còn phụ huynh Trường tiểu học Văn Yên (Q.Hà Đông, Hà Nội), cho hay: “Dù không thay đổi mẫu mã nhưng mỗi đồng phục HS lại in tên lớp trên áo (ví dụ lớp 1A, 2A…) nên năm học mới lại phải bỏ đồng phục cũ vì số lớp đã thay đổi”. Còn HS Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Q. Long Biên, Hà Nội cũng từng phàn nàn việc khi hiệu trưởng cũ về hưu, hiệu trưởng mới lên cũng thay luôn đồng phục HS.

 

Chi tiền triệu cho đồng phục

Trường phổ thông đa cấp Olympia- Hà Nội tỏ ra rất cầu kỳ trong việc chọn và may đồng phục cho HS, nên kinh phí mà phụ huynh phải đóng góp cho khoản này cũng rất dễ gây… sốc với phần đông gia đình có mức sống trung bình. Cụ thể, giá 2 bộ đồng phục đầy đủ cho cả mùa đông và mùa hè của HS tiểu học: nam 4.268.000 đồng, nữ 4.466.000; THCS: nam 5.632.000 đồng, nữ 4.554.000 đồng; THPT nam 6.710.000 đồng, nữ 5.830.000 đồng. Đồng phục của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng hơn 1 triệu đồng/HS.

Tại TP.HCM, giá đồng phục các trường năm nay dao động từ 150.000 đồng cho đến khoảng 250.000 đồng/bộ cho từng bậc học. So sánh với thị trường, giá đồng phục trong trường luôn cao hơn khoảng 10 đến 20%.

Một số HS của Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) đang băn khoăn: “Không biết năm nay trường có thay đổi mẫu áo không, chứ năm học vừa rồi trường thông báo bán 2 mẫu áo đồng phục mới với giá hơn 100.000 đồng/áo. Tùy điều kiện và sở thích, HS có thể chọn mua, thế nên trong trường có mấy mẫu áo đồng phục”.

Chịu thua vì hàng “độc”

Một phụ huynh của Trường tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Năm vừa rồi đồng phục của trường có thiết kế khá lạ với cổ lá sen màu xanh có may thêm viền đăng ten, hai hàng nút cũng có viền đăng ten và tay áo in sẵn logo của trường. Nếu dạng logo rời thì chúng tôi mua vải chất liệu tốt may theo mẫu cho con còn dễ, chứ kiểu như vậy chịu thua”. Chính vì vậy, đoạn đường Cao Thắng (Q.3), nơi tập trung các cửa hàng kinh doanh trang phục HS vốn nhộn nhịp trước năm học mới nhưng mấy năm trở lại đây cũng khó thu hút được khách hàng. Một người bán hàng ở đây, cho biết: “Trường nào cũng có những quy định riêng trên đồng phục nên dù chất liệu vải không tốt và giá cao hơn bên ngoài nhưng phụ huynh vẫn phải mua trong trường”.

Sợ chất liệu

Điều mà phụ huynh phàn nàn nhiều nhất, thường xuyên nhất không phải kiểu dáng mà chính là chất liệu đồng phục.

Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Thanh Xuân Nam (Hà Nội) cho biết: “Năm trước, vì cháu mới nhập học nên tôi không có kinh nghiệm, cho cháu mặc đồng phục của trường mà không lấy mẫu để đi may bộ khác với chất liệu tốt hơn. Kết quả là ngày đầu tiên đi học về cháu bị mẩn ngứa khắp người vì quần áo có quá nhiều ni lông, nóng bức. Lúc đó tôi mới tá hỏa đi may cho cháu bộ đồng phục khác với chất liệu thoáng mát hơn”.

Chất liệu xấu, gây khó chịu nên đồng phục trở thành nỗi sợ đối với HS. Ngoài bộ đồng phục hằng ngày, vài năm gần đây, nhiều trường còn bắt HS phải mặc đồng phục thể thao dành cho giờ học thể dục. Với HS bậc trung học thì quy định này còn có vẻ hợp lý, nhưng với HS tiểu học thì cứ nhắc đến đồng phục thể thao là các ông bố, bà mẹ lại lắc đầu ngao ngán vì chất liệu của loại đồng phục này quá khó chịu. Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Kim Liên, Q.Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Một tuần cháu có hai giờ học thể dục, nhưng cả ngày hôm đó cháu phải mặc đồng phục thể thao vì có mang đi thì các cháu cũng không có chỗ nào để thay. Lớp học hơn 60 cháu, 3 cháu ngồi ghép một bàn nên những ngày hè mặc như vậy chắc chắn rất có hại cho sức khỏe vì chất liệu không thấm mồ hôi”.

Đồ dùng học tập cũng giống nhau

Không những chỉ có quần áo, một số trường còn quy định HS phải dùng đúng loại vở mà trường đặt in cũng như các vật dụng học tập khác. Điều này cũng gây nên những phiền toái không nhỏ cho phụ huynh.

Phụ huynh Trường tiểu học dân lập Ngôi Sao (Hà Nội) cho biết: “Năm nào cơ quan của bố mẹ, tổ dân phố… cũng đều tặng cho các cháu hàng chục cuốn vở rất đẹp làm phần thưởng HS giỏi, nhưng đành tìm người để… cho hoặc làm vở nháp vì phải dùng đúng vở của nhà trường”. Có phụ huynh mua sẵn đồ dùng cho con từ khi chưa nhập học cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Chưa kể, rất nhiều giáo viên chủ nhiệm đặt thêm những quy định bắt buộc thống nhất trong đồ dùng học tập từ bút, vở, giấy kê tay, giấy bọc vở, loại mực, bảng viết… Một phụ huynh Trường tiểu học Phương Nam (Hà Nội) cho biết: “Cô đưa ra quy định như vậy và ngỏ ý “mua hộ” cho HS để đảm bảo tính đồng bộ”. Nghe qua thì có vẻ quá thuận lợi nhưng trao đổi với Thanh Niên, một số phụ huynh của trường này ấm ức: “Niềm vui của con tôi là được cùng bố mẹ đi sắm đồ dùng chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi đã cùng con chọn những thứ đẹp nhất, tốt nhất nhưng cuối cùng đành bỏ xó vì không… đúng ý cô”.

Một phụ huynh HS Trường THCS Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM) cho hay: “Vừa rồi nhà trường có thông báo cho HS những quy định như tất cả phải đi vớ và giày bata khi đến trường, đặc biệt không được dùng ba lô mà phải dùng cặp táp màu đen có quai đeo. Vì vậy mà ba lô của cháu tôi hồi học lớp 5 vẫn còn mới giờ không dùng nữa, phải đi chọn cặp táp theo yêu cầu của trường”.

Hầu hết các trường tiểu học tại TP.HCM đều quy định thống nhất bìa bao cho các khối lớp. Lãnh đạo một số trường THCS cũng thừa nhận áp dụng bìa bao đồng nhất cho HS trong nhiều năm nay.

Nhiều phụ huynh nghi ngại, nếu tốn kém nhưng những quy định đồng phục này làm tăng chất lượng học tập của HS thì cũng đành. Thế nhưng việc quy định đủ loại đồng phục kiểu như vậy dễ khiến phụ huynh nghĩ rằng các trường cố tình “vẽ” ra để có thêm lợi nhuận từ các nhà cung cấp sản phẩm và chạy theo hình thức một cách rất máy móc.

ý kiến

Gây khó xử cho phụ huynh

“Các trường không nên đặt ra quá nhiều quy định tự phát, gây khó xử cho các bậc phụ huynh, dù chỉ là mang danh nghĩa “tự nguyện”. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đồ dùng học tập chất lượng tốt, giá cả hợp lý và hình thức cũng rất đẹp, phù hợp với tâm lý, sở thích của trẻ. Chỉ khi trẻ thích thú với đồ dùng học tập thì mới hào hứng học tập được. Vậy thì cứ để các gia đình lựa chọn vở viết cho con em mình theo khả năng và nhu cầu, không nên đặt họ vào tình huống ấm ức, khó chịu vì những việc tưởng như rất nhỏ nhặt như vậy”.

(Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội)

Không thể mỗi năm mỗi thay đổi

“Sở không quy định về đồng phục, các trường tự thiết kế sao cho phù hợp và thể hiện được bản sắc. Và đã là bản sắc thì không thể mỗi năm mỗi thay đổi, vô cùng lãng phí. Nếu trường nào xảy ra tình trạng này, phụ huynh mạnh dạn phản ánh”.

(Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Đồng nhất giúp học sinh học tốt hơn

“Việc thực hiện đồng nhất bao bì, loại tập hoặc bút viết là để giúp cho HS học tốt hơn. Tránh được tình trạng phân biệt giàu nghèo trong HS. Phần nữa, phụ huynh không hẳn ai cũng biết mua dụng cụ học tập phù hợp cho con, chúng tôi làm vậy để giúp phụ huynh tránh lãng phí, nếu mua dụng cụ không đúng chức năng”.

(Vũ Thị Mỹ Hạnh- Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM)

Giữ gìn vở sạch, đẹp mắt

“Trường cũng quy định về màu bìa bao tập vở theo từng khối lớp. Việc làm này cũng chỉ nhằm mục đích giữ gìn vở cho các em sạch sẽ, đẹp mắt và có từng nét riêng cho HS mỗi khối chứ nói thật cũng không giúp gì cho việc học tốt hơn”.

(Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM)

T.Nguyễn - B.Thanh- M.Luân