Khởi công thăm dò bể than Đồng bằng Sông Hồng
Đề án có diện tích khoảng 3.500 km2, nằm trong miền võng Hà Nội, trải dài từ Việt Trì – Phú Thọ đến Tiền Hải – Thái Bình.
Ngày 21/9, tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi công thực hiện Đề án thăm dò than khu Nam Thịnh, Nam Hưng, huyện Tiền Hải (thuộc bể than Đồng bằng sông Hồng).
Tập đoàn cho biết, đề án thăm dò bể than Đồng bằng sông Hồng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò với quy mô 5,29km2, độ sâu thăm dò đến mức -1.200 m, có 23 lỗ khoan với tổng số mét khoan là 19.650m.
Đề án có diện tích khoảng 3.500 km2, nằm trong miền võng Hà Nội, trải dài từ Việt Trì – Phú Thọ đến Tiền Hải – Thái Bình.
Đề án thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án thi công tại hiện trường trong khoảng thời gian 24 tháng từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2017 do Công ty Địa chất mỏ – Vinacomin thi công. Giai đoạn 2 của dự án thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019 tổng hợp kết quả thăm dò, lập báo cáo địa chất và tiến hành trình, thông qua tại Hội đồng trữ lượng quốc gia.
Mục đích của Đề án là xác định cấu trúc địa tầng, trữ lượng, chất lượng than, đặc điểm điều kiện địa chất kỹ thuật khoáng sản, làm cơ sở để xem xét nghiên cứu lập dự án thử nghiệm công nghệ, dự án khai thác thử nghiệm và tiến tới đầu tư khai thác với quy mô công nghiệp.
Theo kế hoạch, các chuyên gia, kỹ thuật sẽ lấy hơn 500 mẫu than, 300 mẫu đá, 240 mẫu khí để phân tích đặc điểm tính chất than – đá theo các chỉ tiêu khác nhau.
Tại Lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, dự báo dự án sẽ có tiềm năng tài nguyên than Abitum rất lớn khoảng 210 tỷ tấn. Trong điều kiện các mỏ than Đông Bắc ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, việc huy động bể than đồng bằng sông Hồng vào thăm dò khai thác theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phục vụ nhu cầu than cho các ngành kinh tế trong nước là hết sức cần thiết và quan trọng. Thứ trưởng cũng cho rằng, dự án cũng là tiền đề, mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng và đất nước nói chung.
Còn theo Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, Thái Bình cam kết sẽ chỉ đạo các Ban ngành, địa phương trong tỉnh tạo điều kiện tối đa, đảm bảo an ninh, an toàn, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân. Đồng thời, tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đề án thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ, đảm bảo vệ sinh môi trường, hệ sinh thái…
Thay mặt Tập đoàn, Chủ tịch Lê Minh Chuẩn cho biết sẽ giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công tập trung tổ chức triển khai khoan thăm dò đúng yêu cầu đề án được phê duyệt một cách an toàn, hiệu quả. TKV cũng sẽ phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đảm bảo an ninh, trật tự cho công trình, khu dân cư để không ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân trong vùng; kịp thời đề xuất, xử lý nhanh những phát sinh ngoài dự tính nếu có.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.