Khởi đầu thuận lợi cho du lịch Việt Nam

Trong những ngày đông đầu năm mới 2016, các điểm du lịch trong nước đã thu hút được nhiều khách, đặc biệt là các điểm đến phía Bắc. Với khởi đầu thuận lợi này, hy vọng các điểm đến trong nước tiếp tục hấp dẫn du khách trong năm nay.

Các điểm đến gần trung tâm được lựa chọn

Mặc dù mùa đông không phải là mùa cao điểm du lịch như dịp hè, nhưng rất nhiều điểm du lịch trong nước đã thu hút được các nhóm khách đi ngắn ngày, đặc biệt là vào ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ Tết Dương lịch.

Không chỉ các nhóm khách trẻ, các gia đình hay người già cũng cùng tham gia các chuyến du lịch ngắn ngày tới các địa điểm đang gây “sốt” thời gian qua.

Một loạt các địa điểm sinh thái tại ngoại thành Hà Nội, hay các điểm du lịch thuộc Hòa Bình luôn được các gia đình chọn lựa đi nghỉ vào cuối tuần. Với nhóm khách trẻ, họ cùng nhau khám phá những cánh đồng cải trắng muốt tại Mộc Châu, Sơn La, hay tìm kiếm cảm giác mạnh trên những cung đường lên các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai…

Với những chuyến đi ngắn ngày này, du khách chỉ phải chi tiêu mức dưới 2 triệu là có thể tận hưởng những không gian yên bình, sinh thái với những món ăn đặc sản tại các vùng đất đi qua.

Đại diện một công ty du lịch tại Hà Nội chia sẻ, “thật đáng mừng là ngày càng nhiều người lựa chọn đi du lịch không phải vào mùa cao điểm. Mặc dù không phải quá bận rộn như thời kỳ cao điểm nhưng cũng giúp công ty túc tắc đưa khách vào dịp này. Riêng dịp Tết Dương lịch vừa qua thì công ty “cháy tour” và giờ đang nhận rất nhiều khách vào dịp Tết Âm lịch”.

Du lịch biển vào mùa đông cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho những du khách tìm kiếm những cảm giác mới lạ.

Tại khu nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa trong tháng 12 của năm trước dù mới khai trương nhưng đã liên tục đón nhiều đoàn khách. Riêng dịp Tết Dương lịch, đã có gần 2.000 khách về đón năm mới và xem bắn pháo hoa ngay giữa bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam nằm kề sát bờ biển. Đại diện Tập đoàn FLC cho hay, FLC Hotel Samson đã rơi vào tình trạng cháy phòng từ những ngày trước dịp nghỉ lễ. Khu FLC Resort Samson hướng biển cũng không còn một phòng trống.

“Mùa đông không thể tắm biển phía Bắc được rồi nhưng cũng không nhất thiết là phải tắm biển, chúng tôi có thể chọn lựa tắm tại các bể tắm nước nóng trong nhà rồi xông hơi, massage… Nhưng vẫn được ăn đồ biển trong thời tiết se lạnh, thật là một cảm giác thích thú”-  chị Hải Anh, du khách từ Hà Nội vào nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa chia sẻ.


Di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar, địa điểm tham quan du lịch rất nổi tiếng tại Nha Trang thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế (ảnh: Hiền Đào)

Đặt mục tiêu 60 triệu khách du lịch nội địa

Không chỉ trong mùa đông qua, năm 2015, du lịch Việt Nam đã đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng.

Với 7 vùng du lịch đã được Thủ tướng phê duyệt, các địa phương trong cả nước đang rà soát quy hoạch, xây dựng đề án phát triển sản phẩm đặc trưng để tận dụng lợi thế, tăng cường khả năng cạnh tranh.

Trong năm qua, Tổng cục Du lịch cũng đánh giá, các tỉnh thành đã chú trọng các hoạt động liên kết, thu hút đầu tư, kết nối tour tuyến, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khẳng định thương hiệu. Việc này đã phát huy hiệu quả tích cực, tăng cường khả năng cạnh tranh.

Trong khi đó, năm 2015, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch như Tập đoàn VinGroup, SunGroup, FLC, Tuần Châu, Mường Thanh… được đưa vào hoạt động góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và cao cấp tại nhiều địa phương.

Năm 2016, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 370.000 tỷ đồng. Với những tín hiệu tích cực từ khách du lịch trong nước, Tổng cục Du lịch hy vọng sẽ phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó khách có sử dụng lưu trú đạt 31 triệu.

Để đạt mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ được Tổng cục Du lịch đề ra là sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm vùng, địa phương; quảng bá du lịch Việt Nam qua các mạng xã hội; đẩy quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện cá nhân, trên mạng Internet. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thành các nhiệm vụ quy hoạch vùng du lịch và quy hoạch tổng thể phát triển các khu du lịch quốc gia theo kế hoạch./.

Nguồn Tổ quốc