Khởi sắc cùng khu công nghiệp Tân Hương
Sau thời gian trầm lắng do khủng hoảng kinh tế, khu công nghiệp (KCN) Tân Hương bắt đầu chuyển động với nhiều dự án đã hoạt động và đang triển khai; qua đó thu hút số lượng lớn lao động, góp phần giải quyết việc làm, tạo nên những chuyển biến tích cực cho các xã vệ tinh quanh KCN.
Xe đưa rước chờ công nhân trong giờ tan ca. |
* Những đổi thay
Trở lại KCN Tân Hương những ngày tháng 5/2011, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay khá rõ nét; nhiều nhà máy đã mọc lên và đi vào hoạt động, một số dự án đang tiếp tục thi công, không khí lao động khá khẩn trương tất bật, diện tích đất trống đang thu hẹp dần. Hệ thống hạ tầng của KCN đã khá hoàn chỉnh với những tuyến đường nội bộ đã láng nhựa liên hoàn. Chiều tan tầm, công nhân đông như nêm, nhộn nhịp ở cổng chính trên QL1A và đặc biệt trên Hương lộ 18, nơi có cổng phụ của KCN đã thật sự quá tải trong lúc cao điểm sáng chiều với công nhân ra vào tấp nập. Theo Ban Quản lý KCN Tân Hương, đến nay toàn khu đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, 10 dự án trong nước và 2 dự án liên doanh với tổng vốn đầu tư hơn 140 triệu USD; lấp đầy trên 70% diện tích đất dành cho sản xuất. Hiện tại đã có 8 nhà đầu tư đi vào hoạt động, 10 nhà xưởng đang xây dựng, số còn lại đang chuẩn bị khởi công.
Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhựt Thành Tân, chủ đầu tư KCN Tân Hương cho biết, hiện KCN đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng gồm nước, thông tin liên lạc; hệ thống xử lý nước thải với công suất 10.000m3/ngày đêm đã vận hành; trạm điện cho KCN sẽ đóng điện trong tháng 7/2011. Đường nội bộ đã hoàn tất phần bó vỉa hè, láng nhựa được 70% toàn tuyến, hiện đang tiếp tục triển khai láng nhựa các trục đường phụ. Về tiến độ thu hút dự án, hiện diện tích đất dành cho sản xuất của KCN chỉ còn có 40 ha, quan điểm của Công ty là không nhất thiết phải lấp đầy bằng mọi giá, nên Công ty đang xem xét lựa chọn đối tác, ưu tiên phần diện tích còn lại cho những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng tối ưu.
* Và những chuyển biến tích cực
Theo Ban Quản lý các KCN Tiền Giang, với 8 dự án đang đi vào hoạt động, KCN Tân Hương đang có nhu cầu tuyển hơn 42.000 lao động; thời điểm hiện tại chỉ mới tuyển được 5.670 lao động; trong đó có nhiều công ty đang thiếu lao động trầm trọng, như Công ty TNHH Freeview nhu cầu 13.000 lao động, chỉ mới tuyển được 2.700; Công ty TNHH Dụ Đức (chi nhánh của Công ty PouYuen) nhu cầu 8.170, mới tuyển được 2.500 lao động, Công ty CP may Quảng Việt nhu cầu 6.000, chỉ tuyển được 500 lao động.
Vừa qua, Ban Quản lý các KCN Tiền Giang có văn bản kiến nghị một số vấn đề nhằm phục vụ cho sự khởi sắc của KCN Tân Hương. Cụ thể như cần triển khai thi công Dự án đường Hương lộ 18 để phục vụ cho nhà đầu tư và công nhân đi lại bởi với số lượng công nhân hiện tại việc giao thông vào giờ cao điểm gặp nhiều khó khăn; thành lập Đồn Công an khu công nghiệp để kịp thời xử lý các vụ việc gây mất an ninh trật tự trong và ngoài khu công nghiệp; đề nghị hỗ trợ giá điện, nước theo giá sinh hoạt cho các nhà trọ phục vụ công nhân; nghiên cứu mở tuyến xe buýt phục vụ công nhân; có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp tự xây nhà ở cho công nhân ở khu tái định cư Tân Hương. |
Trước tình trạng cung không đủ cầu về lao động tại KCN Tân Hương, đã tạo nên cơn sốt lao động tại đây từ sau Tết Nguyên đán. Các công ty đã sử dụng nhiều giải pháp nghiệp vụ để thu hút lao động về phía mình. Sốt nhất hiện nay tại KCN Tân Hương là Công ty TNHH Freeview, nơi có nhu cầu đến 13.000 lao động, với chính sách tuyển dụng rõ ràng, lương bổng hợp lý, cùng các chế độ đảm bảo quyền lợi của người lao động, Công ty đã thu hút nhiều lao động, tạo nên sự biến động lao động khá lớn giữa các công ty trong cùng địa bàn. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Freeview cho biết, nhu cầu của Công ty đến tháng 9/2011 cần 9.000 lao động, hiện Công ty đã tuyển được gần 3.000 lao động, sắp tới mỗi tháng Công ty phải “tìm cho ra” 1.500 lao động. Để làm được điều này, Công ty đã cho người đi về các xã vùng sâu trong tỉnh, làm việc với UBND xã để tuyển lao động với nhiều chế độ ưu đãi, ví dụ như những lao động ở vùng xa (từ 35km trở lên) Công ty sẽ bố trí xe đưa rước, công nhân chỉ chịu 20% chi phí tiền xe; ngoài ra, Công ty cũng hỗ trợ 50% phí nhà trọ cho những công nhân có nhu cầu ở trọ. Hiện Công ty đã thuê trước 100 phòng trọ cho công nhân, nhưng chỉ mới sử dụng 40 phòng, còn 60 phòng đang chờ công nhân.
Trước nhu cầu lao động quá lớn tại KCN Tân Hương, đã tạo nên những biến động về lao động trên địa bàn Tiền Giang và giải quyết khá cơ bản tình trạng thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bộ phận người dân ở các xã quanh khu vực KCN. Ông Trần Văn Lễ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lý Đông cho biết, từ năm 2008-2010 UBND xã có kết hợp với Công ty TexGiang (KCN Tân Hương) đào tạo nghề cho thanh niên trong xã, sau đó cho học viên tham quan và thử việc tại nhà máy, kết quả có khoảng 70% học viện “trụ” lại tại Công ty. Qua 3 năm xã đã giải quyết việc làm cho 250 lao động. Trong khi đó, chỉ 4 tháng đầu năm 2011 xã đã giải quyết cho 280 đơn xin vào làm tại KCN Tân Hương, qua đó góp phần ổn định kinh tế-xã hội, giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo của xã thêm hiệu quả. Cụ thể, năm 2008 tỉ lệ hộ nghèo của xã là 30%, đến nay chỉ còn dưới 18% (theo chuẩn mới), thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống khấm khá hơn, nhiều gia đình từ nghèo khó đã vươn lên. Như gia đình anh Tống Hữu Trang, ngụ ấp Tân Quới, trước đây làm ăn thất bại phải bán hết ruộng, chỉ còn lại cái nền nhà lá, sau khi hai cô con gái học nghề rồi vào làm công nhân ở KCN với thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh được xã hỗ trợ cho vay vốn để chăn nuôi, buôn bán nhỏ tại nhà; qua 3 năm, nay anh đã thoát nghèo, xây lại căn nhà mới khang trang, cuộc sống không còn bấp bênh như trước.
Trong khi đó, theo UBND xã Tân Hội Đông, trước đây trung bình mỗi năm giải quyết khoảng 150 hồ sơ xin việc, nhưng trong đầu năm 2011 đã có hơn 120 hồ sơ xin việc, chủ yếu vào làm tại KCN Tân Hương. Còn theo ông Dương Bảo Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Hương, số lao động tập trung tại KCN Tân Hương hiện nay gần 10.000 người, trong đó dân của xã Tân Hương khoảng 2.000, gồm lao động phổ thông cho các công trình xây dựng nhà máy và làm công nhân trong xí nghiệp. Hiện đời sống người dân trong xã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là đời sống người dân trong khu tái định cư Tân Hương; hầu hết người dân trong tuổi lao động tại khu tái định cư đều đã có việc làm, thu nhập khá ổn định. Như gia đình anh Nguyễn Văn Tươi có 3 con trai và 1 con gái đều làm trong KCN, bản thân anh cũng phụ hồ trong các công trình xây dựng, có thu nhập ổn định. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, có 8 lao động, đều có việc làm, người con gái vừa đủ tuổi lao động, hiện làm tại Công ty Dụ Đức (KCN Tân Hương), cuộc sống cũng khấm khá.
Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN Tiền Giang, dù số lượng lao động hiện tại của KCN Tân Hương khá đông, nhưng tình hình an ninh trật tự nhìn chung tương đối ổn định, Công ty TNHH Nhựt Thành Tân phối hợp với Công an huyện và ký hợp đồng với Công an xã Tân Hương giữ gìn an ninh trật tự, xử lý kịp thời các vụ mất cắp, đua xe, gây rối trật tự công cộng…
Tuy nhiên, theo ông Dương Bảo Toàn, song song với việc phát triển của KCN Tân Hương, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, đó là môi trường xung quanh các khu nhà trọ và KCN; chế độ hỗ trợ cho những người dân kinh doanh nhà ở cho công nhân; ngoài ra, tỉnh cũng cần tính đến việc qui hoạch hệ thống nhà trẻ, bệnh viện phục vụ cho KCN và đặc biệt là tính toán xây chợ phục vụ cho công nhân, bởi hiện tại vào giờ tan ca, khu chợ tạm Bình Yên cặp QL1A gần KCN rất đông người mua bán, không đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, cần nhanh chóng xúc tiến nâng cấp Hương lộ 18 để tạo điều kiện vận chuyển của doanh nghiệp và đi lại cho lao động giờ tan ca, tránh tình trạng quá tải khi công nhân đổ dồn ra cổng chính trên QL1A vào giờ cao điểm.
Có 1 bình luận
Toi o TP.HCM, muon den KCN nay lam viec nhung khong co tuyen xe de dua ruoc