Khởi sắc Tây Nguyên
Xuân về Tây Nguyên, trăm hoa đua nở, nổi bật nhất là sự bừng sáng của cây hoa dã quỳ trên khắp các nẻo đường. Cây cà phê, cao su, hồ tiêu đâm chồi nảy lộc mơn mởn, báo hiệu cho một mùa bội thu, đời sống nhân dân được ấm no, sung túc.
Thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông. |
Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước, với tài nguyên đất rừng, khoáng sản phong phú, với thế mạnh cây công nghiệp xuất khẩu như cà phê, cao su, hồ tiêu… Đây là trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, có hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ nối với khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ và không quá xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội…
Trong 10 năm trở lại đây, với sự đầu tư của Chính phủ và sự nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông… Đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa nước, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 4.000 km, nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hóa. 100% số xã đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm xá, phủ sóng phát thanh-truyền hình và nối mạng thông tin truyền thông; 98% số thôn, buôn có điện lưới quốc gia.
Những năm qua, khu vực Tây Nguyên duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khá cao, đạt từ 12-13%/năm. Riêng năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng của các tỉnh Tây Nguyên cũng đạt 10,69%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến vượt bậc, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Sản xuất công nghiệp đã hình thành một số ngành công nghiệp mới tiềm năng như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu…
Ngành Du lịch có bước phát triển mạnh mẽ với doanh thu bình quân tăng 15%/năm. Sự nghiệp giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã có những chuyển biến quan trọng. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở đào tạo nghề, cơ bản cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển của vùng. Cơ sở vật chất ngành y tế cũng tăng gấp 3 lần, mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng đến khắp các thôn, buôn. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh được đảm bảo…
Có thể nói, trong nhiều năm qua, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết, nhất là vấn đề đất đai, quản lý bảo vệ rừng, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đua voi tại tỉnh Đắk Lắk . Ảnh: VGP/Thế Phong |
Công tác giảm nghèo ở Tây Nguyên, trong những năm gần đây, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhanh từ 3 đến 4%/năm. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên chiếm khoảng 20% dân số, thì đến cuối năm 2013 giảm còn 13,64%, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 27,26%. Đời sống nhân dân được cải tiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người thu hẹp so với bình quân cả nước. Đến nay, Tây Nguyên đã xóa được tình trạng thiếu đói triền miên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ một địa phương thiếu lương thực, cái đói, cái rét và bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh trong suốt thời gian dài, xã anh hùng Nam Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) giờ đây đã trở thành vựa lúa của cả huyện. Bà con từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu sang trồng lúa nước, kết hợp phát triển chăn nuôi. Bà con được tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đến nay, xã đã xóa được hộ đói giáp hạt trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đã có phương tiện nghe nhìn, mua được xe gắn máy, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Nam Nung đã cơ bản xóa mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc, 100% trẻ em trong độ tuổi theo quy định được đến trường học. Các thôn, buôn đều có trường lớp khang trang cho con em đồng bào học tập. Các giá trị văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy, những tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng trống vẫn âm vang trong những ngày hội, lễ tết, ngày vui của đồng bào.
Nhắc lại chuyện đói những năm tháng sau giải phóng, các già làng ở làng Pong, làng Ghè, làng Chan… huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, ai cũng đau lòng. Khi đó, đồng bào vùng biên giới của huyện chỉ biết nhờ vào nương rẫy. Cả những đứa trẻ mới sinh ra chỉ vài ngày tuổi cũng phải đeo trên lưng mẹ ra rẫy chặt cây tỉa bắp, bỏ hạt lúa đến mùa có cái để ăn. Nhưng “Yàng” không thương nên bà con phải đói giáp hạt, người dân phải đi vào rừng đào củ mài ăn. Rừng thiêng, nước độc, bom mìn chiến tranh còn nằm dày đặc dưới lòng đất Tây Nguyên nên cuộc sống bà con vẫn vô cùng vất vả. Dẫu đói nghèo nhưng đồng bào Tây Nguyên, trước sau vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ vượt qua khó khăn để từng bước vươn lên. Đặc biệt có nghị quyết đổi mới của Đảng, vùng Tây Nguyên bắt đầu thực sự đổi thay. Cây lúa nước được đưa vào nhân rộng cho bà con gỡ đói. Thoát đói, bà con phát triển được cây cao su, cà phê, hồ tiêu… và làm giàu trên vùng đất đỏ bazan.
Cây cà phê mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Trên bước đường phát triển của vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, tỉnh Đắk Nông đã thay da đổi thịt sau 10 năm thành lập, xây dựng và phát triển.
10 năm trước, khi mới thành lập, Đắk Nông là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục rất khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Thị xã Gia Nghĩa cũng chỉ là một thị trấn nhỏ. 10 năm qua, bên cạnh sự giúp đỡ, động viên của Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Diễn cho biết: Sau 10 năm thành lập, kinh tế Đắk Nông liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, từ 7,3% (vào năm 2004) đến nay đã vượt lên 13,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với 2003. Các khu, cụm công nghiệp đang được xây dựng, thu hút hàng trăm dự án đầu tư; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đang hứa hẹn sự vươn lên mạnh mẽ trong tương lai. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, diện mạo nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới có nhiều khởi sắc. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường.
Là đô thị hạt nhân của tỉnh Đắk Nông, thị xã Gia Nghĩa đã vươn mình trở thành đô thị phát triển năng động tại khu vực Nam Tây Nguyên. Từ một huyện lỵ nhỏ heo hút, với những con đường đầy bụi đỏ, đến nay Gia Nghĩa đã khoác lên mình một diện mạo mới, căng tràn sức sống. Những con đường nhựa phẳng lỳ, những ngôi nhà, công trình mới xây dựng mộc lên san sát bên sườn đổi. Trong tương lai, Gia Nghĩa sẽ mở rộng giao lưu với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia, đồng thời là một trung tâm du lịch mới ở vùng Cao Nguyên. Gia Nghĩa cũng là nguồn động lực để Đắk Nông thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hưa hẹn sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực Nam Tây Nguyên.
Đến Đắk Nông và các tỉnh khác của Tây Nguyên những ngày này thấy được một sức sống mới của đồng bào các dân tộc sau những đau thương, đói nghèo của cuộc chiến tranh để lại. Tây Nguyên hôm nay đã bừng sáng, hòa nhịp với sự đổi thay của đất nước. Những đô thị mới mọc lên, các khu công nghiệp rộn ràng tiếng máy, đường đi lối lại thông thoáng, rộng đẹp… Những thành tựu đó thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, để vùng Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững, nhất là đảm bảo và nâng cao cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo được thế và lực mới giai đoạn tiếp theo, thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, phát triển chợ biên giới trong khu vực Tam giác. Tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh biên giới của Lào và Campuchia; triển khai thực hiện đồng bộ chính sách kinh tế cửa khẩu. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cần có chính sách chăm lo cụ thể, giao rõ trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện.
Nguồn chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.