Không để “chìm xuồng”, không có “vùng cấm“
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Thủ tướng cho biết, thiên tai vừa qua gây thiệt hại nặng nề nhưng công tác ứng phó thiên tai còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo để nâng cao hiệu quả của công tác.
Với vấn đề cải cách hành chính, Thủ tướng cho biết đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thờ ơ; chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, cửa quyền, lợi ích nhóm; tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc xã hội.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhóm giải pháp cải cách hành chính trong thời gian tới theo hướng xây dựng bộ máy hành chính kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân. Thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hóa công sở và ý thức chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.
Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương và Quốc hội.
Về vấn đề giảm nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng cho biết còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khó khăn, xuất phát điểm thấp, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức.
Trên 30% hộ dân tộc thiểu số còn là hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc và miền núi chỉ bằng 44% bình quân chung cả nước.
Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để bảo đảm đạt kết quả cao nhất.
Về công tác đối ngoại, Thủ tướng khẳng định vừa qua Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội nghị APEC thành công; chúng ta đã ký kết, thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đang hoàn tất ký kết, phê chuẩn 2 Hiệp định và đàm phán 4 Hiệp định khác, trở thành một mắt xích ngày càng quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu.
Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng; hiện nước ta có quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp.
Việc thực hiện các Hiệp định FTA chưa đạt kết quả như mong muốn, lợi ích thu được chưa tương xứng với tiềm năng.
Năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” là có thể xảy ra.
Các ngành có lợi thế cạnh tranh, nhất là nông nghiệp, tiếp tục gặp khó khăn trước những rào cản thương mại, phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.
Việc tham gia và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế vẫn còn bất cập, thiếu đội ngũ chuyên gia, luật sư có khả năng tham gia tranh tụng quốc tế.
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách nông thôn – thành thị
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn về tình trạng chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng lớn? Giải pháp thế nào? ĐB cũng nêu vai trò rất lớn của kinh tế tư nhân và đề nghị Thủ tướng cho biết những giải pháp để phát triển thành phần kinh tế này.
Trả lời, Thủ tướng cho biết các cuộc cách mạng của dân tộc ta là để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Đời sống của đồng bào ở nông thôn được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, thu nhập của người dân ở nông thôn chưa bằng ½ người ở đô thị. Vì vậy, đó là công cuộc mà chúng ta cần tiếp tục thực hiện.
Giải pháp cần làm, theo Thủ tướng, là tái cơ cấu kinh tế hiệu quả để bảo đảm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập; điều tiết thu nhập qua thuế tốt hơn; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, nhất là tín dụng cho người nghèo.
Về mặt chính trị, phải tạo môi trường minh bạch, để tạo cơ hội cho mọi người dân được vươn lên có thu nhập tốt. Đẩy mạnh tiếp cận giáo dục, y tế cho người nghèo. Chính sách người có công, cho nhân dân vùng hải đảo, biên giới thực hiện tốt hơn nữa. Nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả. Hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai nhằm khắc phục chênh lệch giữa các vùng. Dành nhiều đầu tư hơn cho vùng khó khăn…
Thủ tướng cũng nhắc đến phát biểu về phát triển rau, củ, quả của Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và khẳng định, nếu làm tốt các giải pháp thì chúng ta sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ có nhiều giải pháp và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Kinh tế tư nhân đóng góp nhiều cho nền kinh tế.
Sẽ kiểm soạt chặt các dự án BOT
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng chất lượng tăng trưởng còn nhiều vấn đề. Đánh giá của Thủ tướng về các dự án BOT?
Thủ tướng khẳng định, tăng trưởng Việt Nam đạt khá trong thời gian dài, những năm gần đây đạt trên 6%, riêng năm 2017 ước đạt 6,7%. Cơ cấu tích cực khi giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện thể hiện qua xuất khẩu cao, tuổi thọ người dân tăng, các chỉ số về an sinh bảo đảm hơn…
Để bảo đảm chất lượng tăng trưởng, Thủ tướng cho biết phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lao động; chống ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ số…
Về BOT, Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của xã hội hóa nguồn lực. Chúng ta đã huy động được 200.000 tỷ đồng để làm BOT cho hạ tầng giao thông. Nhưng thực tế BOT có một số vấn đề như triển khai BOT còn nhiều bất cập, một số nơi quy hoạch chưa tốt, triển khai ồ ạt, còn chồng chéo, có một số tuyến gây bức xúc, trạm thu phí đặt chưa phù hợp, giá thu cũng chưa phù hợp… Hiện nay đang chấn chỉnh quyết liệt.
Thủ tướng khẳng định, vẫn phải BOT, nhất là trong lĩnh vực điện và giao thông, để huy động nguồn lực xã hội. Nhưng sẽ hoàn thiện thể chế pháp luật chặt chẽ hơn, kiểm soát quy hoạch, thời gian thu, mức phí, đặc biệt tất cả các dự án BOT đều phải được đấu thầu để bảo đảm minh bạch. Công tác quản lý dự án BOT sẽ phải làm tốt hơn.
Hội nhập sâu rộng nhưng phải tự chủ về kinh tế
ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hỏi Thủ tướng về những vấn đề cốt lõi của Chính phủ kiến tạo?
Về nội hàm của Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết cần chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp đó, cần thống nhất thực hiện chủ trương nhà nước không làm thay thị trường, cái gì dân làm tốt, thì để người dân và doanh nghiệp làm; đồng thời phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới giáo dục đào tạo; chính phủ kiến tạo thì nói phải đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; thay ngay những cán bộ không chịu làm việc, làm việc kém hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp…
ĐBQH đặt vấn đề về triển khai thế nào với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có Hoa Kỳ?
Thủ tướng khẳng định, xu hướng tự do thương mại là không thể đi ngược, vì vậy dù không có Hoa Kỳ thì chúng ta vẫn quyết tâm cùng các thành viên thực hiện CPTPP.
Thủ tướng cho hay Việt Nam sẽ cùng các nước tích cực trao đổi, sớm kết thúc đàm phán CPTPP. Trong dịp APEC vừa qua, 11 nước tham gia TPP (không có Hoa Kỳ) đã đạt thỏa thuận với tên gọi mới CPTPP; đồng thời ra tuyên bố chung khẳng định thống nhất những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP. Tuy nhiên, thoả thuận cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm cân bằng trong bối cảnh mới.
Cùng với đó, thúc đẩy, sớm ký kết, phê chuẩn FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi Thủ tướng về mức độ tự chủ hiện nay của nền kinh tế Việt Nam?
Thủ tướng đánh giá đây là câu hỏi cần thiết. Hội nhập sâu rộng nhưng phải tự chủ về kinh tế. Đó là điều phải xuyên suốt cả trong nhận thức và hành động.
Chúng ta phải xác định một cơ cấu kinh tế hợp lý, có sức cạnh tranh cao, giải quyết được các cân đối lớn giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa xuất khẩu và nhập khẩu, thu và chi ngân sách, không quá phụ thuộc vào một thị trường.
Thủ tướng khẳng định, quan điểm của chúng ta là đa phương hóa, đa dạng hóa, không lệ thuộc vào một thị trường, vào một sản phẩm. Đến nay chúng ta đã có năng suất lao động khá hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với 70 thị trường, 25 sản phẩm xuất khẩu; quy mô đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn và đa thị trường. Cùng với đó, niềm tin vào thị trường Việt Nam của cả các nhà đầu tư nước ngoài và người tiêu dùng trong nước ngày càng lớn.
Thủ tướng cũng cho rằng, tự chủ không có nghĩa là tự cung tự cấp, mà chúng ta đi vào các trụ cột: đa phương hóa, tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm…
Không để “chìm xuồng”, không có “vùng cấm”
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi Thủ tướng có hài lòng với chất lượng điều hành kinh tế – xã hội không? Thủ tướng có trăn trở gì khi nền kinh tế vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng?
Theo Thủ tướng, nhờ sự nỗ lực chung của cả hệ thống và toàn dân, năm 2017 chúng ta đạt và vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Chất lượng tăng trưởng tốt hơn, môi trường kinh doanh được cải thiện hơn. Tuy vậy, Thủ tướng vẫn cho rằng còn nhiều bất cập, nên thẳng thắn mà nói thì chưa hài lòng trong điều hành.
Thủ tướng cũng cho rằng, vấn đề lo nhất hiện nay là tụt hậu, tham nhũng, suy thoái, “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu… Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân để bảo đảm có một Chính phủ thực sự hiệu quả. Nhiệm vụ điều hành hiện nay là phải giải quyết các điểm nghẽn.
ĐB Lê Thanh Vân cũng hỏi các vụ án tham nhũng, sai phạm vừa qua đã xử nhưng chưa nghiêm, phải chăng có “vùng cấm” với các đối tượng này. Thủ tướng chỉ đạo thế nào để đưa các vụ án này sớm ra ánh sáng?
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước quyết tâm không để “chìm xuồng” vụ nào, không có “vùng cấm”. Sẽ xử lý nghiêm các vụ án để nhân dân yên tâm, tin tưởng; sẽ công khai kết quả xử lý toàn bộ các vụ việc.
Không xây dựng đô thị thông minh theo phong trào
Về các đô thị thông minh, Thủ tướng cho biết đó là xu thế của thế giới. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, đối phó tốt với ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả dịch vụ công, bảo vệ tài nguyên. Người dân Thành phố thông minh sẽ được sống trong môi trường an toàn, tiện ích, trên cơ sở đó chính quyền cũng phải sát sườn để phục vụ dân.
Hiện nay một số nơi như TPHCM, Bình Dương… đã tiến hành xây dựng, nhưng cần đỏi hòi hạ tầng công nghệ tốt, dữ liệu dân cư, tài chính… Quan điểm là không chạy theo phong trào xây dựng đô thị thông minh. Trước mắt thực hiện hiệu quả Chính phủ điện tử. Phải có số liệu, có con người… mới xây dựng được đô thị thông minh. Thủ tướng cho rằng các địa phương phải bình tĩnh, triển khai có chọn lọc để tránh thất bại.
Không đầu tư bằng bất cứ giá nào
ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) hỏi Thủ tướng đánh giá về các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), giải pháp để nâng cao chất lượng khối doanh nghiệp (DN) này trong thời gian tới?
Thủ tướng cho biết, chúng ta sắp tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI. FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm cho 3 triệu lao động, chiếm 96% xuất khẩu, kết hợp với DN trong nước phát triển, có nhiều công nghệ hiện đại. Có nhiều DN FDI thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, còn những bất cập của khu vực FDI cần xử lý: chuyển giá, trốn thuế; công nghệ chưa hiện đại; ô nhiễm môi trường…
Từ thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục phát triển FDI nhưng trên cơ sở tái cơ cấu lại. Không đầu tư bằng bất cứ giá nào.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) chất vấn về công tác chống tham nhũng và cho rằng “trên lạnh, dưới nóng”? ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng nêu thực tế tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, lót tay, có phong bì mới giải quyết việc làm, khiến DN và người dân bức xúc. Thủ tướng nói sẽ thay cán bộ nhũng nhiễu, vậy giải pháp đột phá nào để khắc phục triệt để tình trạng này?
Thủ tướng cho rằng, tham nhũng là vấn đề toàn cầu, không riêng ở Việt Nam. Đảng ta coi chống tham nhũng là vấn đề quan trọng, đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TW. Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chể về phòng, chống tham nhũng, trong đó có sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, để bảo đảm không thể tham nhũng. Nâng lương cho cán bộ công chức để chống tham nhũng vặt. Cùng với đó tăng cường kiểm soát quyền lực. “Sử dụng hóa đơn điện tử trong nộp thuế chẳng hạn, thì làm sao người nộp và người nhận tiêu cực được”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nêu thực tế vì tâm lý an toàn, sợ mất chức mất quyền nên không dám quyết… Những việc này làm chậm lại quá trình cải cách hành chính.
Hạn chế phải giải cứu nông sản
ĐB Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) chất vấn Thủ tướng đánh giá thế nào về việc tăng trưởng quý 1, 2 thấp nhưng quý 3 tăng đột ngột.
Thủ tướng nhắc lại, công thức tính GDP của Việt Nam và thế giới có “tật chung”: tháng 1 vẫn là “tháng ăn chơi”, từ từ, đủng đỉnh. Đến quý II, quý III mới đốc thúc thì kinh tế mới đi lên.
Sau quý I vừa qua, Chính phủ rất lo lắng, sốt ruột nên phải tiến hành rà soát từng ngành hàng, lĩnh vực để đốc thúc, chỉ đạo nên kết quả đã sốc lên được. Càng về các quý sau, kinh tế càng sôi nổi. Các khu vực kinh tế đều tăng rất cao.
Nông nghiệp, năm nay lần đầu tiên đã xuất khẩu 35 tỷ USD. Ngành du lịch đến lúc này đã đón hơn 10 triệu khách quốc tế trong khi năm trước cả năm mới đạt được số này…
“Chúng ta phải khắc phục tình trạng “đủng đỉnh” khiến GDP đầu năm thấp, còn cuối năm thì cao vọt lên”, Thủ tướng nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) về việc “năm nào cũng phải giải cứu hàng nông sản”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thị trường hàng hoá theo cung – cầu nên khó tránh khỏi việc dư thừa chỗ này, chỗ khác. Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT hoàn thiện quy hoạch sản phẩm các vùng kinh tế trọng điểm. Chính phủ tiếp tục tổ chức sản xuất theo hướng giảm trung gian, bám sát thị trường và tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ, phân phối…
Thủ tướng cũng dẫn ra mô hình hoạt động của Saigon Co.op bán hàng tới tận huyện, xã các vùng ĐBSCL, và cho rằng đây là mô hình cần nhân rộng. “Ngành nông nghiệp, công thương cần phối hợp chặt chẽ tìm lối ra cho người nông dân. Trước thực tế an toàn thực phẩm đang đặt ra nhức nhối, nếu chúng ta tổ chức lại thị trường tốt, có định hướng thông tin, đầu tư… thì việc phải giải cứu mặt hàng nông nghiệp sẽ được hạn chế”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp với “chìa khóa” là người nông dân. Phải làm sao để người nông dân là chủ thể chính. Tới đây, Chính phủ sẽ có cuộc đối thoại giữa Chính phủ và Hội Nông dân để tìm ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp.
Xã hội hóa không được gây gánh nặng cho dân
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng xã hội hóa là chủ trương đúng nhưng đang có nhiều biểu hiện lạm dụng, biến tướng, người dân phải chịu nhiều khoản đóng bất hợp lý trong y tế, giáo dục. Thủ tướng đánh giá thế nào?
Thủ tướng nêu quan điểm phải xã hội hóa mạnh mẽ, dựa vào dân, huy động nguồn lực từ dân để phát triển đất nước. Tuy nhiên, còn tình trạng lạm dụng xã hội hóa tạo thêm gánh nặng cho dân. Ví dụ trẻ em vùng cao cũng phải đóng phí… là rất vô lý. Không thể xã hội hóa mà gây gánh nặng cho dân. Thu phí BOT chẳng hạn, cũng phải tính để không gây áp lực cho dân.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.