Không nơi nào sánh được với mái ấm gia đình
PGS.TS Lê Ngọc Văn. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Gia đình là một thiết chế xã hội hết sức quan trọng, có vai trò như một đơn vị kinh tế và đơn vị xã hội cơ sở, là nhóm tâm lý tình cảm đặc thù. Đó là nhân tố tích cực để hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách mỗi cá nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Theo PGS.TS Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), từ khi nước ta chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế, đã làm thay đổi rất sâu sắc chế độ sở hữu, các giá trị và chuẩn mực xã hội. Là một thiết chế cơ bản của xã hội, gia đình Việt Nam cố nhiên chịu ảnh hưởng to lớn của những biến đổi này.
PGS Lê Ngọc Văn cho rằng, công nghiệp hóa không xóa bỏ gia đình truyền thống nhưng phá vỡ cấu trúc nhất thể hóa của gia đình truyền thống, tạo nên tính đa khuôn mẫu của gia đình, trong đó gia đình truyền thống chỉ là một trong số những khuôn mẫu gia đình.
Sự thay đổi cấu trúc gia đình lại ảnh hưởng đến các mối quan hệ và các chức năng của gia đình. Những biến đổi đa dạng về cấu trúc và chức năng của gia đình ở các nước công nghiệp hóa đã khiến nhiều gia đình không thích ứng và không kiểm soát được các mối quan hệ, dẫn đến tình trạng rối loạn cấu trúc, rối loạn chức năng gia đình và khủng hoảng gia đình, với các biểu hiện như: Tỷ lệ ly hôn rất cao, mâu thuẫn xung đột và bạo lực gia đình, ngoại tình, trẻ em và người già không được chăm sóc đầy đủ, kinh tế gia đình gặp khó khăn…
Quá trình biến đổi gia đình truyền thống thành gia đình hiện đại trên nền tảng của tự do kinh tế và tự do hôn nhân, rộng hơn nữa là tự do cá nhân không chỉ làm thay đổi về cơ bản chức năng, cấu trúc gia đình mà còn làm nảy sinh các mô hình gia đình và các hình thức chung sống khác với truyền thống.
Gia đình hạt nhân là đơn vị thích hợp nhất đáp ứng được đòi hỏi của xã hội công nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ những gia đình thiếu khuyết, chỉ có bố hoặc mẹ với những đứa con chưa trưởng thành đang ngày càng tăng lên do kết quả của tình trạng ly hôn, ly thân, phụ nữ độc thân có con…
Trong xã hội công nghiệp, tỷ lệ ly hôn cao và tỷ lệ tái hôn cũng khá cao. Những người tái hôn đem con cái của họ được sinh ra trong các cuộc hôn nhân trước đó vào trong một hình thức gia đình mở rộng kiểu mới. Một số nhà xã hội học gọi kiểu gia đình mở rộng mới này là gia đình tổ hợp.
Bên cạnh đó, theo PGS Văn, các kiểu sống gia đình không bình thường so với lối sống truyền thống đang nảy sinh và trở thành vấn đề xã hội nan giải như sống chung không kết hôn, không muốn sinh con, lối sống thử, sống độc thân hoặc kết hôn đồng tính là những thách thức mới đối với chính sách xã hội.
Không những vậy, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa đang có những tác động ngược chiều đối với gia đình Việt Nam. Một mặt, nó mang đến cho gia đình Việt Nam những giá trị nhân văn mới như quyền trẻ em, bình đẳng giới. Mặt khác, nó có thể làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đã hình thành trong lịch sử như: Tinh thần trách nhiệm, đức hy sinh, lòng hiếu thảo, tôn ti trật tự trong gia đình, sự thủy chung trong quan hệ vợ chồng, sự kính trọng và tình cảm thiêng liêng của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Cụ thể hơn, quy mô gia đình ngày càng nhỏ, phụ nữ làm việc bên ngoài nhiều hơn nên trẻ em ít được chăm sóc trong gia đình hơn và ngày càng có nhiều người già không sống cùng con cháu. Mâu thuẫn, xung đột giữa cha mẹ và con cái ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên tăng lên làm cho khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng giãn ra.
Theo PGS.TS Lê Ngọc Văn, sự biến đổi của gia đình Việt Nam không chỉ thách thức các nhà nghiên cứu, mà còn thách thức các nhà quản lý và hoạch định chính sách về gia đình. Đây là lĩnh vực đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phù hợp và kịp thời, nhằm giữ vững sự ổn định của gia đình và phát huy vai trò của gia đình trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các nhà quản lý thường có xu hướng xây dựng một mô hình gia đình tiêu chuẩn chung cho cả quốc gia. Tuy nhiên, mô hình này khó phù hợp cho tất cả các loại gia đình hiện có, hoặc buộc phải loại ra khỏi phạm vi quản lý những loại gia đình không phù hợp với quan niệm của nhà quản lý. Việc xây dựng chính sách gia đình cũng gặp phải những khó khăn trong thực tế, vì có rất nhiều loại gia đình và mỗi loại gia đình đòi hỏi một chính sách riêng phù hợp.
Mặc dù hình ảnh “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” của gia đình Việt ngày nay không còn nhiều, nhưng PGS. TS Lê Ngọc Văn cho rằng dù ở bất cứ mô hình nào, hoàn chỉnh hay thiếu hụt, khi mỗi người cần nhất một chỗ dựa để mạnh mẽ hơn, nơi ấy chính là gia đình, đúng như đúc kết của một triết gia phương Tây: “Không nơi nào trên thế giới có thể sánh được với mái ấm gia đình”.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.