Khu vực phía Nam: Thí sinh thi khối ngành kinh tế giảm mạnh
Đại diện các trường nhận bàn giao hồ sơ sáng 7-5 tại TP.HCM – Ảnh: Minh Đức |
Ông Lê Văn Đức- trưởng phòng giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai – cho biết tổng hồ sơ ĐKDT của tỉnh năm nay hơn 48.000, giảm 90 hồ sơ so với năm trước. Số hồ sơ vào các ngành kỹ thuật, y dược, sư phạm tăng so với năm trước trong khi hồ sơ vào các ngành kinh tế, ngân hàng giảm đáng kể. Tính theo khối, khối A1 tăng 3%, B tăng 3%, khối C ổn định như năm trước trong khi hồ sơ vào khối A giảm đến 11%.
Kinh tế “rớt giá”
“Lượng hồ sơ vào nhóm ngành kinh tế, ngân hàng giảm 50% so với năm 2012. Trong đó, một số trường có lượng hồ sơ giảm nhiều như ĐH Tài chính Marketing giảm 1.000 hồ sơ, ĐH Kinh tế TP.HCM gần 500, CĐ Công thương TP.HCM giảm 2.000. Trước thông tin về nhân lực ngành kinh tế sẽ bão hòa, học sinh đã cân nhắc né kinh tế và chuyển sang nhóm kỹ thuật để có cơ hội việc làm tốt hơn” – ông Đức cho hay.
Cùng nhận định này, ông Trần Lương Công Khanh – phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bình Thuận cho biết về cơ cấu ngành nghề, lượng hồ sơ tập trung vào nhóm ngành nông nghiệp, kỹ thuật, sư phạm trong khi khối kinh tế lại giảm rất mạnh, đặc biệt là vào ngành ngân hàng. “Tiêu chí chọn ngành của học sinh đã có nhiều biến chuyển. Thay vì tập trung vào kinh tế thì các em đã biết cân nhắc lựa chọn các ngành dễ tìm việc làm” – ông Khanh giải thích.
Cũng với xu hướng né kinh tế, ông Trần Ngọc Anh – trưởng phòng giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho hay lượng hồ sơ vào các ngành kinh tế giảm khoảng 30% so với năm 2012. Đại diện các sở GD-ĐT các tỉnh Gia Lai, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang… đều cho biết lượng hồ sơ vào các trường khối kinh tế đều giảm so với năm trước. Đây là xu hướng chọn trường chung của thí sinh năm nay. Một cán bộ Sở GD-ĐT An Giang chia sẻ: những năm trước nếu học sinh còn phân vân giữa ngành kinh tế và ngành khác, trong khi năm nay đa số học sinh bỏ ngành kinh tế để chọn ngành có nhu cầu việc làm nhiều hơn.
Thống kê bước đầu cho thấy lượng hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Tài chính Marketing giảm khoảng 11.000 trong khi hồ sơ vào các trường khối kỹ thuật, trường đa ngành như Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Sài Gòn… lượng hồ sơ lại tăng đáng kể. Cùng với khối ngành kinh tế, các trường CĐ nói chung đều có lượng hồ sơ giảm mạnh so với năm 2012. Theo ông Trần Mạnh Thành – hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – hồ sơ vào các trường CĐ giảm do tác động của qui định về việc liên thông lên ĐH hiện nay. Thí sinh chấp nhận thi ĐH, nếu rớt sang năm sẽ thi lại thay vì học CĐ.
Ưu tiên trường gần nhà
Trong xu hướng các ngành sư phạm, kỹ thuật, y dược “lên ngôi” thì các trường ĐH địa phương, trường ĐH gần nhà vẫn được học sinh các địa phương ưu ái chọn dự thi nhiều nhất. Đây là xu hướng được các sở GD-ĐT đánh giá tích cực bởi nó sẽ góp phần tiết kiệm chi phí học tập, sinh hoạt cho sinh viên, quan trọng hơn, học sinh đã biết cân nhắc chọn ngành dựa vào điều kiện kinh tế gia đình chứ không theo phong trào như trước đây.
Trong số hơn 48.000 hồ sơ của tỉnh Đồng Nai, Trường ĐH Đồng Nai có lượng hồ sơ nhiều nhất với hơn 4.800 hồ sơ (tập trung nhiều vào các ngành giáo dục tiểu học, SP tiếng Anh, GD mầm non). Kế đến là các trường Nông lâm TP.HCM (các ngành có hồ sơ nhiều nhất gồm công nghệ thực phẩm, tài nguyên môi trường, chăn nuôi thú y), Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (tập trung vào các ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, điện điện tử, công nghệ thông tin), Công nghiệp TP.HCM.
Tai Đắk Lắk, Trường ĐH Tây Nguyên được học sinh tỉnh này chọn nhiều nhất với hơn 14.000 hồ sơ. Trong khi đó, trường có hồ sơ nhiều kế tiếp là Công nghiệp TP.HCM với chỉ gần 2.000 hồ sơ. Tương tự, học sinh Gia Lai chọn thi vào Trường ĐH Qui Nhơn nhiều nhất, kế đến là Trường ĐH Tây Nguyên, phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai. Học sinh Khánh Hòa, Phú Yên chọn Trường ĐH Nha Trang dự thi nhiều nhất, Trường ĐH An Giang được học sinh An Giang chọn nhiều nhất, kế đến là Trường ĐH Cần Thơ, Y dược Cần Thơ, rất ít học sinh chọn thi các trường ở xa.
Một điểm tích cực đáng chú ý nữa trong việc ĐKDT năm nay của thí sinh là việc cân nhắc chọn ngành nghề, từ đó nộp hồ sơ hợp lý nên lượng hồ sơ ảo giảm so với các năm trước. Ông Trần Lương Công Khanh cho hay năm nay lượng học sinh của tỉnh tăng nhưng lượng hồ sơ lại giảm so với năm trước khoảng 1.000 bộ. Điều này chứng tỏ học sinh đã cân nhắc nên tỷ lệ hồ sơ ảo thấp hơn các năm trước. Hơn nữa, năm nay lệ phí tăng cũng là yếu tố làm hồ sơ ĐKDT của tỉnh giảm. Trong khi đó, nhiều sở có hồ sơ tăng như An Giang, Tây Ninh, Bình Dương… đều do lượng học sinh tăng chứ không phải do tỷ lệ hồ sơ/thí sinh tăng. Điều này làm giảm đáng kể hồ sơ ảo trong kỳ tuyển sinh năm nay.
ĐHQG TP.HCM: Hồ sơ ổn định
TS Nguyễn Quốc Chính – phó trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM cho biết thống kê ban đầu cho thấy tổng hồ sơ ĐKDT vào ĐHQG TP.HCM là 64.056, không có nhiều thay đổi so với năm 2012. Mặc dù vậy, lượng hồ sơ theo từng trường lại có sự thay đổi đáng kể. Trong khi hồ sơ của Trường ĐH Kinh tế luật giảm đến 22% so với năm 2012, hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Công nghệ thông tin lại tăng đến 40% so với năm trước. Hồ sơ ĐKDT vào các trường cụ thể như sau: Trường ĐH Bách khoa 15.144 hồ sơ, tăng 6% so với năm trước, Công nghệ thông tin 3302, Kinh tế luật 9545, Quốc tế 3908, Tự nhiên 17.390, Xã hội nhân văn 13.842 (tăng 12% so với năm trước) và khoa Y 1375, tăng 5%.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.