Kịch “Cát trắng như gạo“: Đề cao tình người và lòng yêu thương
Với 3 nhân vật chính, vở kịch “Cát trắng như gạo” do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản đã mang đến một câu chuyện về lòng yêu thương đầy ý nghĩa.
Mới đây, vở kịch “Cát trắng như gạo” do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản và được dàn dựng bởi đạo diễn Lê Hùng đã có buổi tổng duyệt tại Nhà hát kịch Quân đội.
Vở kịch là câu chuyện xoay quanh về thân phận, cuộc sống của 2 mẹ con Hạnh và Gió. Họ cùng sống trên một con thuyền và hàng ngày làm nghề lái đò đưa người sang sông. Tuy nhiên, mục đích chính của Hạnh ở đây không phải là mưu sinh để nuôi con mà để đợi kẻ giết chồng mình quay lại để báo thù.
Và sau 30 năm lẩn trốn, Lủi – người mà Hạnh cho là hung thủ đã làm nổ kho hàng và giết chồng mình đã quay trở lại. Ngày chị gặp lại hắn cũng là ngày mà những nỗi căm giận, oán hờn đã kìm nén suốt 30 năm qua được giải tỏa. Khoảnh khắc chị định bóp cò súng để trả mối thù giết chồng, thì cũng là lúc chị biết con gái mình – Gió đã đem lòng yêu mến Lủi. Giằng xé giữa một bên là con và một bên là thù chồng, khiến chị một lần nữa phải chịu đau đớn, dằn vặt…
Cuối cùng, lòng yêu thương đã giúp chị bỏ qua mọi thứ để con gái chị có được hạnh phúc. Chị cũng thoát được nỗi hận thù, ám ảnh về cái chết của chồng để trở lại cuộc sống.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh – tác giả kịch bản cho biết, đấy cũng chính là thông điệp mà ông muốn gửi gắm tới khán giả khi xem vở kịch“Cát trắng như gạo”. Cuộc sống luôn nóng bỏng như cát, nhưng phía dưới cát là nước – tình người. Yêu thương sẽ giúp người ta có thể xóa nhòa đi mọi thứ: sự thù hận, oán giận, căm phẫn…
“Qua câu chuyện và 3 nhân vật chính của vở kịch, tôi muốn mọi người có thể thấy được tình người luôn là điều giúp ta vượt qua được mọi thứ. Cuộc sống dù quanh co, luẩn quẩn, éo le… nhưng nếu có yêu thương, sự sẻ chia thì mọi chuyện rồi cũng tốt đẹp” – nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Cùng với những hình ảnh, lời thoại cuốn hút thì âm nhạc của vở kịch cũng là một điều độc đáo và ấn tượng. Thay vì dùng âm thanh dựng sẵn, đạo diễn Lê Hùng – người dàn dựng vở kịch đã dùng nhạc sống nhằm tăng sự sinh động, sức sống cho vở kịch. Các nghệ sỹ, ca sỹ được ngồi ngay trên sân khấu và họ cũng giống như những nhân vật của vở kịch. Những ca khúc đều mang âm hưởng miền Trung trong đó có cát, gió và sự day dứt, bùng cháy giống như tâm lý của nhân vật.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ông rất thích cách mà đạo diễn Lê Hùng đã sử dụng nhạc sống vào vở kịch. Nó không chỉ dừng ở việc minh họa mà tất cả đều là những yếu tố không thể tách rời khỏi vở diễn. Đặc biệt, phải cảm ơn nhạc sỹ Huỳnh Tú đã chọn và sử dụng những ca khúc thật tuyệt vời và phù hợp với nội dung vở kịch.
Nói về điều này nhạc sỹ Huỳnh Tú cho biết, ông đã đọc rất kỹ kịch bản “Cát trắng như gạo” trước khi nhận lời làm âm nhạc cho vở kịch.
“Tôi thực sự thích thú và bị lôi cuốn vào câu chuyện khi cầm kịch bản. Khi đọc, tôi dường như được sống lại với những nhân vật trong truyện, được đến với những vùng đất đấy cát và nắng. Vì vậy, sau khi bàn bạc tôi đã lựa chọn ba ca khúc chính để cho vở kịch là “Em tôi” của cố nhạc sỹ Thuận Yên; “Tre xanh ru” của nhạc sỹ Quốc Trung và ca khúc “Lông chông à, lông chông ơi” do tôi sáng tác” – nhạc sỹ Huỳnh Tú chia sẻ
Huy Phương/VOV.VN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.