Kịch Tết hứa hẹn bội thu

       Giá vé xem kịch có nơi lên đến cả triệu đồng nhưng không khí háo hức xem kịch Tết của khán giả đã bắt đầu

Chưa vào Tết nhưng phòng vé của các sàn diễn kịch tại TPHCM đã trở nên nhộn nhịp bởi khán giả đến đăng ký vé, trong khi một vài sàn diễn vẫn chưa kịp phúc khảo vở diễn của mình.

Phong phú kịch mục

Tết năm nay, Sân khấu Kịch IDECAF diễn 4 vở mới. Trong đó có vở Tía ơi… má dzìa (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Vũ Minh) kể về nghịch cảnh của những mối lương duyên ở chốn đồng quê, qua đó chuyển tải khao khát vươn tới cuộc sống tốt đẹp bằng chính đôi tay cần cù và khối óc sáng tạo của người nông dân.
Vở Một ngày làm vua (tác giả: Viễn Hùng, đạo diễn: Hùng Lâm, Đình Toàn) mượn chuyện xưa nói chuyện nay, khi mà kẻ nắm quyền lực trong tay có khi chẳng bằng một thường dân sống hiếu hạnh, thanh thản và hưởng phước từ những việc làm thiết thực cho cuộc sống. Cả hai vở diễn này được luân phiên biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành từ mùng 1 Tết.
Riêng hai vở Lẩu trăn (tác giả: Nguyễn Hữu Thông, đạo diễn: Hữu Châu) và Tôi là ai? (tác giả: Minh Ngọc, đạo diễn: Vũ Minh) sẽ được diễn thường xuyên tại Sân khấu Kịch IDECAF từ mùng 1 Tết. Hai câu chuyện với hai sắc thái khác nhau, tựu trung vẫn là tiếng cười sảng khoái, mang tính giáo dục và đả phá những thói hư tật xấu.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận sẽ công diễn 2 vở có đề tài khá gai góc: Ma sói (tác giả, đạo diễn: Xuân Trang) và Tôi là gay (tác giả: Đức Thịnh, đạo diễn: Hồng Vân). Cả hai vở đều có bố cục chặt, cuốn hút khán giả vì sự chỉn chu trong cách cài đặt tình huống nhằm tạo tình huống, gây cười cho khán giả xen lẫn với nỗi sợ hãi, tâm lý căng thẳng. Đề tài đồng tính trong câu chuyện Tôi là gay tìm được sự chia sẻ rất duyên dáng ở người xem hơn là đả kích.

Diễn viên Quang Thảo (trái) và Thanh Thủy trong vở 29 anh về (Sân khấu Hoàng Thái Thanh)
Khán giả yêu thích kịch tâm lý, tình yêu hôn nhân gia đình sẽ tìm đến Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh qua các vở: Màu của tình yêu, Thử yêu lần nữa, 29 anh về được diễn luân phiên từ mùng 1 đến mùng 8 Tết, mỗi ngày 2 suất.
Nồng nàn và duyên dáng có thể kể đến câu chuyện 29 anh về của hai tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc và Hoàng Thái Thanh, do Thành Hội dàn dựng. Câu chuyện đầy nước mắt của một bà mẹ chồng đã từng ngăn cản tình duyên của con trai, để rồi tất tả mấy mươi năm tìm kiếm con dâu và cháu nội. Khán giả cười đó rồi sẽ òa khóc trước tài năng diễn xuất của Ái Như và Thanh Thủy.

Sàn diễn của Nhà hát Thế Giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) được xem là đơn vị chuẩn bị Tết chu đáo nhất với 4 vở: Hai chàng bảo mẫu, Tình yêu nổi loạn, Mua chồng. Kịch Sài Gòn công diễn tại rạp Đại Đồng các vở: Biệt thự ma (tác giả: Phạm Dũng, đạo diễn: Trần Ngọc Giàu), Áo đợi người (tác giả, đạo diễn: Đoàn Bá), Số đào hoa (tác giả: Đức Hiền, đạo diễn: Hữu Nghĩa).

Sân khấu Nụ Cười Mới ra mắt vở Tết: Anh chàng giả gái. Bộ ba bạn diễn ăn ý: Hoài Linh, Chí Tài và Thanh Thủy sẽ “đụng độ” với nữ quái kiệt Hồng Nga. Vở Gió đưa cây cải sẽ công diễn sau Tết vì theo nghệ sĩ Vũ Văn Long (Giám đốc Sân khấu Nụ Cười Mới), nội dung vở buồn quá nên không thể “để khán giả khóc trong ba ngày Xuân”. Vé của sân khấu này đang hút khách đến nỗi có vé chợ đen rao bán giá 1,5 triệu đồng/vé.

Nhà hát Kịch TPHCM năm nay tiếp tục khai thác sức hút của đôi vợ chồng nghệ sĩ Việt kiều Kiều Oanh - Lê Huỳnh để thực hiện chùm hài kịch diễn Tết, từ mùng 1 đến mùng 5, tại rạp Công Nhân. Tuy nhiên, sân khấu này năm nay chỉ diễn chùm hài kịch với chủ đề hướng về người mẹ. Giá vé được rao dưới 1 triệu đồng/vé.

Kịch tái diễn

Năm nay, Kịch IDECAF kết hợp với ông bầu trẻ Gia Bảo đưa 4 vở kịch hài diễn tại sàn diễn số 7 Trần Cao Vân, quận 1 với những tên tuổi có đủ sức hút khán giả: Ngọc Giàu, Bảo Quốc.
Đó là các vở: Cô dâu chạy trốn (tác giả, đạo diễn: Trần Văn Sáu), Nhất vợ nhì trời (tác giả: Linh Trung, đạo diễn: Trần Ngọc Giàu), Bí mật núi Hy Ma (tác giả, đạo diễn: Trung Dân) và Cuộc chiến sui gia (tác giả: Trần Văn Hưng, đạo diễn: Trần Ngọc Giàu). Bốn vở diễn này chủ yếu khai thác trò diễn của nghệ sĩ hài, tạo nên những tình huống dở khóc, dở cười. Sự ngẫu hứng trong cách diễn hài quen thuộc của Ngọc Giàu, Bảo Quốc “đụng độ” với Kiều Mai Lý, Phương Dung, Trung Dân, Hoàng Sơn, Bảo Trí sẽ tạo nên những tiếng cười thú vị.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận tái diễn những vở kịch ăn khách trong năm: Người vợ ma, Căn hộ 404, Cô gái ăn cắp, Làm người ai làm thế, Cưới giùm, Con nhà nghèo, Số đỏ… Vở Siêu tỉ phú (tác giả, đạo diễn: Trần Văn Sáu, có sự tham gia của nghệ sĩ Hoài Linh) diễn tại rạp Đại Đồng. CLB quý bà, Ai sợ ai? tái diễn tại Sân khấu Nụ Cười Mới.
Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TPHCM, ngoài vở hài kịch mới vừa được trao giải Cù nèo vàng cho Việt Anh: Tốt - xấu, giả - thật (tác giả: Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: Trần Minh Ngọc), đã xếp vào lịch diễn một số vở: Đảo thiên đường, Dạ cổ hoài lang, Nếu như yêu, Kính thưa ô sin… để diễn Tết.

Cải lương cũng sôi động

Nếu như mùa Tết 2011, sân khấu cải lương có được một vở diễn mùa Tết là Đả chiến phá sông Ngân thì năm nay, khán giả ghiền cải lương có thể lựa chọn các vở: Hồn Việt (tác giả, đạo diễn: Linh Huyền) diễn suất chiều từ 16 giờ mùng 1 đến mùng 5 Tết tại Nhà hát TP; Cưới vợ năm rồng (tác giả, đạo diễn: Nguyên Đạt) diễn suất trưa 14 giờ từ mùng 1 đến mùng 7 tại rạp Nam Quang (có sự tham gia của nghệ sĩ Hoài Linh, Kim Tiểu Long, Quế Trân…) và Trúng số độc đắc (tác giả: Loan Thảo, đạo diễn: Trần Ngọc Giàu) diễn một suất vào tối mùng 6 Tết tại Nhà hát TP (suất 20 giờ) với sự tham gia của các nghệ sĩ: Kim Tử Long, Phương Hồng Thủy, nghệ sĩ Tấn Beo, Quế Trân…

Ngoài ra, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ kết hợp với nghệ sĩ Lệ Thủy thực hiện 2 đêm diễn chương trình tổng hợp tại rạp hát Thủ Đô gồm các trích đoạn cải lương và các tiết mục ca lẻ. Các đoàn 1, 2 của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa tại một số địa phương với chương trình trích đoạn, ca cổ.