Kiểm tra ngay nếu có bất thường về giá
Chiều 13-6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, đã chủ trì họp với các bộ ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục…).
Người dân chọn mua trứng tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) chiều 13-6. Ảnh: Thi Hồng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong 5 tháng đầu năm, áp lực lạm phát rất cao. Nguyên nhân là do các nước áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng. Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, nên cầu tăng nhanh. Cùng đó, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm cho giá lương thực, xăng dầu, năng lượng tăng cao… ảnh hưởng đến điều hành lạm phát của các nước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả. Do đó, chúng ta kiểm soát được lạm phát trong 5 tháng đầu năm 2022. Đây là kết quả rất tốt so với các nước trong khu vực và các nền kinh tế trên thế giới: Indonesia tăng 2,8%; Thái Lan 5,19%; Philippines 4,06%; Hoa Kỳ 8,6%; các nước châu Âu tăng 5,7%,…
Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Minh Khái, thời gian tới, áp lực lạm phát còn cao hơn nữa, nhất là giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải,…
Do đó, công tác điều hành giá của Chính phủ từ nay đến cuối năm rất khó khăn. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cụ thể là tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022, tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. “Phải hết sức thận trọng. Nếu chúng ta lơ là để lạm phát kỳ vọng tăng cao sẽ rất khó kiểm soát”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai hiệu quả các biện pháp bình ổn giá. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường phải tiến hành kiểm tra ngay các yếu tố hình thành giá để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu, “sát sườn” với đời sống người dân, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, phải dự báo sớm hơn để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đạt mục tiêu đề ra.
Trước mắt, những hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, các bộ ngành phải hết sức cân nhắc, đánh giá tác động chi tiết, báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền, có phương án cụ thể cho việc tăng giá. Còn đối với những mặt hàng doanh nghiệp tự định giá theo quy định của luật, nếu bất thường phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dụng Quỹ Bình ổn giá hợp lý; triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực; tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập; nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.