Kinh tế Mỹ, Anh khởi sắc

      Tờ Telegraph ngày 8-7 đưa tin, hội nghị đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Washington. Nếu thành công, đây sẽ là hội nghị FTA lớn nhất thế giới,  giúp mở cửa thị trường  giữa hai bờ Đại Tây Dương. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi mạnh và kinh tế Anh – quốc gia dự kiến sẽ được hưởng lợi khoảng 10 tỷ bảng Anh (15 tỷ USD) mỗi năm nếu FTA được ký kết có dấu hiệu khởi sắc.

Doanh số bán các dòng xe mới tại thị trường Mỹ tăng mạnh.

Mỹ: Chứng khoán xanh, việc làm tăng

Ủy ban châu Âu cho rằng, đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi những bê bối gián điệp xuất hiện những ngày qua. Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu nhấn mạnh, các bên cần làm rõ sự việc này để đảm bảo các cuộc đàm phán FTA giữa hai bờ Đại Tây Dương thành công. Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích, hai bên cũng phải mất vài năm mới có thể hoàn thành ký kết FTA.

Hiện nay, đang có nhiều kỳ vọng cho rằng nền kinh tế Mỹ lấy lại được đà tăng trưởng. Báo cáo công ty phân tích dữ liệu CoreLogic cho biết trong tháng 6 vừa qua, doanh số bán ra của các dòng xe mới tại thị trường Mỹ tăng tới 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong một tháng của loại hàng hóa lâu bền này kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2009. Với đà tăng trong tháng 6, các chuyên gia dự báo lượng ô tô các loại bán ra tại thị trường Mỹ trong năm nay có thể đạt xấp xỉ 16 triệu chiếc. Đây sẽ là số lượng xe bán ra cao nhất tại thị trường Mỹ kể từ tháng 11-2007.

Ở thị trường việc làm, đã có 165.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 6, cao hơn dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,6%. Các ngành bán lẻ, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, y tế và giải trí là những ngành có nhiều việc làm mới nhất trong tháng 6. Ngay sau khi báo cáo việc làm tháng 6 được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm bởi đây là tín hiệu kích thích tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Kết thúc phiên giao dịch vào cuối tuần qua, chỉ số S& P 500 có phiên tăng điểm mạnh nhất trong 3 tuần trở lại đây. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1%, lên 15.135,84 điểm. 9 trong số 10 nhóm của chỉ số S&P 500 tăng điểm với cổ phiếu của các công ty tài chính, công nghiệp và y tế tăng hơn 1,3%. Cổ phiếu của JPMorgan Chase tăng 2,3% trong khi cổ phiếu của Bank of America tăng 1,8%.

Anh: Kinh tế cải thiện do xuất khẩu tăng mạnh

Còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, kết quả khảo sát của Liên đoàn các phòng thương mại Anh (BCC) cho biết, nền kinh tế Anh đang có dấu hiệu phục hồi và tiếp tục được củng cố. Kinh tế Anh dự báo sẽ tăng trưởng 0,6% trong quý II và đạt 0,9% cho cả năm nay. Theo BCC, chỉ số niềm tin kinh doanh ở Anh đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu diễn ra năm 2007.

Chuyên gia kinh tế trưởng của BCC David Kern cho rằng, nền kinh tế Anh đang được cải thiện do xuất khẩu tăng mạnh. Cán cân xuất khẩu hiện nay cũng thay đổi đáng kể khi ngành dịch vụ đạt giá trị thặng dư lớn, góp phần giảm thâm hụt thương mại cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh nhu cầu ở thị trường trong nước và thị trường Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có xu hướng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp Anh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia và châu lục khác.

Theo kết quả khảo sát của BCC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) ngành chế tạo tăng từ 51,5 điểm trong tháng 5-2013 lên 52,5 điểm trong tháng 6, mức cao nhất kể từ tháng 5-2011. PMI cao hơn ngưỡng 50 điểm cho thấy, ngành chế tạo hiện chiếm khoảng 10,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đang trong chiều hướng tăng trưởng. Đây là một trong những tín hiệu tốt cho nền kinh tế Anh trong bối cảnh hiện nay.