Kinh tế thế giới: Bức tranh le lói sáng
Đến thời điểm này, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng trong năm nay Ảnh: WALL STREET JOUNAL
Cứu du lịch một cách bền vững
Du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng trên thế giới, cung cấp sinh kế cho hàng trăm triệu người, thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ các quốc gia trở nên thịnh vượng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những nền văn hóa, thiên nhiên đa dạng cũng như gắn kết con người với con người. Do tác động của dịch Covid-19, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm hơn 50%, ước tính thiệt hại lên tới 320 tỷ USD và khoảng 120 triệu việc làm liên quan trực tiếp tới du lịch bị ảnh hưởng.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 25-8 đã kêu gọi thế giới khôi phục ngành dịch vụ du lịch một cách bền vững sau đại dịch Covid-19. Để khôi phục du lịch bền vững, Tổng Thư ký LHQ đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: giảm thiểu tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế – xã hội, cải thiện khả năng phục hồi trên toàn bộ chuỗi giá trị du lịch, tối đa hóa việc sử dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thúc đẩy tính bền vững và tăng trưởng xanh, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác để thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững.
Mỹ, châu Âu lao đao, Trung Quốc tăng tốc
Kết quả khảo sát về chính sách kinh tế của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE) mới công bố cho thấy, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19. Trên thực tế, kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, điển hình là vấn đề thất nghiệp. Ngày 20-8, Bộ Lao động Mỹ cho biết có thêm 1,1 triệu người lao động nước này đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 15-8. Đây là lần thứ ba số đơn mới xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vượt ngưỡng 1 triệu kể từ hồi đầu tháng 4.
Trong khi đó, tại châu Âu, bức tranh kinh tế vẫn xám xịt. Hiện hầu hết các nước châu Âu đang hỗ trợ việc làm thông qua các chương trình giúp trả lương nhân viên nghỉ việc và các chương trình làm việc bán thời gian. Pháp đã gia hạn chương trình này thành hai năm và Đức cũng hành động tương tự. Chính phủ Anh dự kiến sớm chấm dứt các chương trình hỗ trợ hiện tại trong khi không thể tăng trợ cấp thất nghiệp. Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 24-8 đã đề xuất giải pháp cấp 81,4 tỷ EUR (96 tỷ USD) dưới dạng khoản vay ưu đãi cho 15 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh như Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Romania, Hy Lạp… để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 trong lĩnh vực việc làm.
Trong lúc đó, tại châu Á, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng trong năm nay. Theo bài viết đăng trên nhật báo Wall Street Journal số ra ngày 25-8, giữa lúc phần lớn các nền kinh tế trên thế giới vẫn đang chật vật ứng phó với đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại và dần thu hẹp khoảng cách với nền kinh tế Mỹ. Ngân hàng J.P. Morgan gần đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 từ mức 1,3% đưa ra hồi tháng 4-2020 lên 2,5%. Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác cũng đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.