Kinh tế Trung Quốc bắt đầu hụt hơi

       Quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 8,1%, thấp nhất trong gần 3 năm qua. Dự báo quý II có thể chỉ còn 7,3%

Ngày 8-7, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang bị một sức ép khổng lồ kéo xuống. Ông kêu gọichính phủ mạnh tay điều chỉnh chính sách, dùng công cụ tiền tệ và tài chính để đảo ngược tình thế.

Quá phụ thuộc vào xuất khẩu

Theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, nguyên nhân chính là mức cầu ở nước ngoài giảm mạnh do các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu là hai khách hàng lớn của Trung Quốc, gặp khó khăn về kinh tế. Kế đến là tốc độ xây dựng nhà ở trong nước giảm mạnh do thị trường bất động sản ảm đạm, mua bán ế ẩm.

Điều này đã dẫn đến một sự kiện bất ngờ. Lần đầu tiên trong 4 năm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cơ bản 2 lần trong vòng mộttháng, lần đầu vào ngày 7-6 và lần thứ hai vào ngày 5-7. Lãi suất vay ngân hàng kỳ hạn một năm giảm 31 điểm cơ bản, còn lãi suất huy động kỳ hạn một năm cũng giảm 25 điểm cơ bản. Chính phủ cũng giảm giá xăng và hứa sẽ đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội giá rẻ và những công trình công cộng.


Xuất khẩu Trung Quốc đã giảm mạnh do ít đơn đặt hàng. Ảnh: REUTERS

Theo giáo sư Minxin Pei, Trường Đại học Claremont McKenna, bang California (Mỹ), nguyên nhân chủ yếu làm mất cân đối ở tầm kinh tế vĩ mô là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhưng đây lại là một điều chẳng đặng đừng bởi người dân trong nước không có tiền mua tất cả những gìmà Trung Quốc sản xuất. Mặc dù đứng thứ hai thế giới về kinh tế nhưng mức sống người dân Trung Quốc không cao. Với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ có 5.184 USD, Trung Quốc đứng hạng 90 thế giới.

Một nguyên nhân khác khiến tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu là công việc làm ăn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không thuận lợi bởi tình trạng tham nhũng đa cấp, quyền sở hữu tài sản và trí tuệ không bảo đảm, công tác hậu mãi và phân phối hàng hóa đầy bất trắc, hàng giả đầy rẫy, rủi ro thanh toán cao. Tất cả những trở ngại này làm tăng chi phí giao dịch và khó đưa hàng hóa vào thị trường trong nước.

Bởi vậy, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thích bán hàng ra nước ngoài, nhất là bán cho các tập đoàn đa quốc gia như: Wal-Mart, Target, Home Depot… Làm ăn với các tập đoàn này, họ không phải bận tâm đến những trở ngại kể trên. Tóm lại, bán ra nước ngoài đỡ nhức đầu hơn bán hàng trong nước bởi chi phí giao dịch hợp lý, quyền lợi của họ được bảo đảm.

Sự yếu kém của các thể chế kinh tế Trung Quốc đã được phản ánh nhiều trong những cuộc khảo sát quốc tế. Ví dụ báo cáo năm 2011 về “môi trường kinh doanh thông thoáng” của Ngân hàng Thế giới cho thấy Trung Quốc đứng hạng 91/183 nước và lãnh thổ, sau cả Mông Cổ, Albania và Belarus.


Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 5 quý vừa qua. Ảnh: WN

Ai cũng biết quá phụ thuộc vào xuất khẩu không thể có tăng trưởng bền vững. Thực tế cho thấy khi các nền kinh tế phương Tâybị trì trệ, đơn đặt hàng giảm mạnh thìxuất khẩu Trung Quốc lao đao, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, Trung Quốc phải tăng thu nhập người dân bằng cách giảm thuế, nâng lương hoặc tăng chi phí công. Mặt khác, phải làm trong sạch môi trường kinh doanh và điều này đòi hỏi nhà nước ban hành nhiều chính sách kích cầu có hiệu quả hơn là bơm tiền vào túi người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp tư nhân cần một hệ thống pháp lý hữu hiệu, một hệ thống chính quyền chống tham nhũng có hiệu quả, một mạng lưới phân phối rộng khắp, thương hiệu của họ được chính phủ bảo vệ…

Vấn đề là không thể một sớm một chiều thay đổi được môi trường kinh doanhhiện hữu. Theo giáo sư Minxin Pei, trước tiên, chính phủ cần xem doanh nghiệp tư nhân là nguồn sáng tạo ra của cải chứ không nên chăm bẵm vào việc “vắt sữa” nó.

Thay đổi thói quen tiết kiệm của người dân

30 năm qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 2 con số được xem là thần kỳ nhờ nguồn đầu tư khổng lồ của chính phủ và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, những ngày ấy đã qua rồi và chính phủ đang cố thay đổi thói quen tiết kiệm của người dân với kỳ vọng người tiêu dùng chi tiêu mạnh để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Một kỳ vọng xem ra rất khó trở thành hiện thực.

Nhật báo Mỹ The Washington Post dẫn lời các chuyên gia giải thích có 2 lý do để nhận định như vậy. Thứ nhất, chính phủ chưa mởrộng chính sách kích cầu. Thứ hai, do lịch sử để lại, người Trung Quốc có truyền thống tiết kiệm,chi tiêu dè xẻn.Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế năm 2010 cho biết trong khi người Mỹ chi 71% thu nhập và ngườichâu Âu chi 57% thì ở Trung Quốc, tỉ lệ này chỉ có35%.

Ngoài truyền thống còn có một lý do khác. Mua nhà là ước mơ của nhiều người nhưng riêng chuyện trả trước 25% đến 30% tiền mua nhà đã vượt ngoài tầm tay của đa số công nhân viên chức. Vì vậy, họ cần tiết kiệm để có tiền mua nhà.