Kỷ lục buồn

Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong năm 2022 có 100 triệu người trên thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi miêu tả con số trên là “kỷ lục lẽ ra không bao giờ được xác lập”.

Người tị nạn từ Ukraine tại khu vực biên giới Medyka, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Người tị nạn từ Ukraine tại khu vực biên giới Medyka, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Bạo lực gia tăng và xung đột kéo dài là những yếu tố chính gây ra làn sóng di cư ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Ukraine, Ethiopia, Burkina Faso, Syria… Như tại Yemen, xung đột trong hơn 7 năm qua đã gây ra thảm họa nhân đạo và hơn 4,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Tại Syria, những cuộc giao tranh kéo dài 11 năm qua khiến gần 5 triệu trẻ em sinh ra ở nước này chưa từng được biết đến hòa bình. Hơn 80.000 người Syria gọi trại Za’atari ở Jordan là “nhà”.

Đại diện UNHCR ở thủ đô Amman của Jordan, Dominik Bartsch, cho rằng, viễn cảnh trở về Syria đối với những người tị nạn này trong thời gian tới còn rất xa. Jordan hiện đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 675.000 người tị nạn từ Syria. Trong khi đó, số liệu của UNHCR đến tháng 12 này đã ghi nhận hơn 7,8 triệu người tị nạn Ukraine ở châu Âu.

Liên hiệp quốc cảnh báo về tình trạng hàng ngàn người di cư tuyệt vọng trông đợi châu Âu như một “miền đất hứa”, nên đã đặt số phận của họ vào tay những kẻ buôn người và mạo hiểm vượt Địa Trung Hải.

UNHCR cho biết, các chính phủ đã cam kết dành khoảng 1,13 tỷ USD để cứu trợ những người buộc phải sơ tán do chiến tranh, bạo lực và quyền con người không được đảm bảo.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, tất cả mọi người đều có trách nhiệm hành động bởi tình cảnh của những người tị nạn ngay trong đất nước họ không chỉ là vấn đề nhân đạo. Cộng đồng quốc tế cần phải có cách tiếp cận hợp nhất: kết hợp phát triển, xây dựng hòa bình, quyền con người, hành động khí hậu và nỗ lực giảm rủi ro thảm họa.

Nguồn SGGP