Kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kỷ nguyên số đang là vấn đề thời sự

Sáng 26/6, tại Hà Nội, Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) phối hợp với Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn, các phương pháp tiếp cận và phương pháp luận nghiên cứu về văn hóa truyền thông đại chúng”.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, mạng internet và các ứng dụng vô hạn của kỹ thuật số đã tạo ra những cơ hội và động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội, cho hoạt động báo chí truyền thông hiện đại, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

 

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

Với khối lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải từng giây, từng phút qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet, qua điện thoại thông minh smartfone, con người có thể tiếp cận thông tin về mọi lĩnh vực, ở bất kỳ nơi nào. Chính vì thế dường như con người không còn đủ khả năng kiểm soát nguồn thông tin đó. Một trong những nguy cơ xuất phát từ đây là người ta có thể lợi dụng tiện ích đó để truyền bá những thông tin theo mưu đồ riêng, hoặc có thể cũng vì vô tình, truyền bá những thông tin độc hại cho xã hội. Đó là những thông tin sai sự thật; Thông tin về những mặt trái của xã hội, tạo nên một hình ảnh méo mó về đất nước, con người; Những loại thông tin giật gân, câu khách về mọi sự kiện nhỏ nhặt nhất liên quan tới tình, tiền, tù tội, khai thác đời tư của các “sao”, đánh trúng vào thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng cũng là một biểu hiện sai trái, thiếu văn hóa của thông tin, vì nó đi ngược lại thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam, những điều tốt đẹp mà báo chí cần phổ biến theo chức năng giáo dục của mình.

 

Hơn nữa, sự ra đời truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, tòa soạn hội tụ, sự xuất hiện của báo chí điện tử đã và đang tạo ra một loạt xu hướng phát triển mới của báo chí hiện đại. Tất cả những xu hướng đó là kết quả của hội tụ truyền thông và các phương tiện truyền thông mới đó tương tác mạnh mẽ với các phương tiện truyền thông truyền thống, làm nảy sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo. Một trong những vấn đề thu hút nhiều người quan tâm nhất hiện nay là trong môi trường truyền thông mới, làm thế nào để các nhà báo hiểu về văn hóa truyền thông, từ đó truyền thông một cách có văn hóa.

Chính vì vậy, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kỷ nguyên số đang là vấn đề thời sự hiện nay. Đặc biệt, sự tác động của truyền thông đại chúng tới sự vận động và phát triển của nền văn hóa nước nhà ngày càng được quan tâm nghiên cứu và đánh giá.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: giải mã các khái niệm, cơ sở lý luận và thực tiễn của văn hóa truyền thông đại chúng; nghiên cứu sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp văn hóa trong môi trường truyền thông hiện đại; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, nội dung và những vấn đề đặt ta trong thực tiễn về văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay. Thông qua đó nhằm xây dựng một nền văn hóa truyền thông hiện đại, phù hợi với nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn ĐCSVN