Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu
Tối 30-6, tại Di tích quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã diễn ra lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 – 1-7-2022). Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng của tỉnh Bến Tre thay mặt Việt Nam cam kết với UNESCO về việc vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu.
Tham dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; cùng các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ. Đại diện UNESCO có ngài Christian Manhart, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những dấu ấn của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu về tinh thần yêu nước, về tinh thần đoàn kết, tự tu dưỡng, ý chí vươn lên… mà người Việt Nam mãi mãi yêu quý.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; là tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ, trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc.
Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Những cống hiến của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trên các lĩnh vực giáo dục, y đức và nhất là những tác phẩm văn thơ đồ sộ cùng nhân cách sống của ông đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao, được UNESCO vinh danh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng ghi nhận và cảm ơn UNESCO đã thông qua nghị quyết và cùng tổ chức tôn vinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, đây là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam.
Chủ tịch nước yêu cầu Đảng bộ tỉnh Bến Tre tổ chức cuộc thi về tác phẩm Lục Vân Tiên và đề nghị các bộ ngành và tỉnh Bến Tre, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị, đào sâu hơn nữa, tiếp tục giới thiệu quảng bá các tác phẩm của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu đến rộng rãi công chúng.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.