Kỳ thi đại học vẫn gây áp lực lớn cho xã hội

       Chiều 10-7, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ tuyển sinh vào ĐH năm 2013. Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi ĐH năm 2013 có tổng cộng 133 trường ĐH tổ chức thi đợt 1 và 125 trường thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt là 1.673.628, số thí sinh đến dự thi là 1.298.522, đạt 77,6% (giảm 0,7% so với năm 2012).

Trong cả 2 đợt thi, cả nước đã huy động gần 142.000 lượt cán bộ tham gia làm công tác tuyển sinh. Trong 2 đợt thi, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật (khiển trách 62, cảnh cáo 17, đình chỉ 254), đến muộn không được dự thi 6. Đáng chú ý, hầu hết thí sinh bị đình chỉ thi đều do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi, dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần. Tổng số cán bộ tuyển sinh bị kỷ luật là 10 người. Trên 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện đã tham gia tiếp sức mùa thi.

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn trao đổi bài làm sau giờ thi môn Văn. Ảnh: MAI HẢI

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, một số nét mới của kỳ thi năm nay như đường dây nóng của bộ trưởng, qua đó có nhiều thông tin do nhân dân cung cấp đã được xử lý kịp thời; đề thi phù hợp hơn do thành phần ban ra đề thi đa dạng hơn. “Đề thi của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không có sai sót cả về nội dung và hình thức, có khả năng phân loại thí sinh và được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Công tác coi thi được triển khai nghiêm túc, những điều chỉnh hợp lý trong chỉ đạo tổ chức thi đã có hiệu quả rõ rệt. Hiện nay các cơ quan công an đang điều tra 2 trường hợp thi hộ ở Học viện An ninh nhân dân và ĐH Phòng cháy chữa cháy. Bộ GD-ĐT cho rằng, kỳ thi đã thành công ở khâu tổ chức, còn lại là chờ kết quả thi của thí sinh.

Chậm nhất 31-7, các trường ĐH hoàn tất chấm thi. Trên cơ sở kết quả của các trường, Hội đồng điểm sàn sẽ họp bàn tính toán điểm sàn, nguyên tắc là bảo đảm chất lượng đầu vào, bảo đảm cơ cấu vùng miền, dựa trên kết quả thi của thí sinh. Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ là 605.000 chỉ tiêu, về cơ bản không thay đổi so với năm trước nên dù thí sinh dự thi thấp hơn năm 2012 thì cũng không có tác động gì.

Thí sinh dự thi vào ĐH Sài Gòn sau khi hoàn thành chương trình thi đại học. Ảnh: MAI HẢI

Chưa thể hạn chế thí sinh ảo

Liên quan đến đề thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng đề dễ, thí sinh có cơ hội đạt điểm cao hơn, và phải chăng đó là cách để Bộ GD-ĐT “cứu” các trường tốp dưới, ngoài công lập tuyển sinh dễ dàng hơn? Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, đề thi có tính phân loại câu, có câu dễ, khó, rất khó nhằm phù hợp với trình độ của thí sinh. Không thể nói là đề dễ, vì phụ thuộc vào lực học của thí sinh. Phải chờ kết quả thi của thí sinh, trên cơ sở đó bộ sẽ xác định mức điểm sàn phù hợp. Hiện chưa thể nói chính xác về điểm sàn năm nay.

Một “thất bại” của kỳ thi năm nay, theo ông Bùi Văn Ga, là tỷ lệ thí sinh ảo vẫn cao (thí sinh dự thi chỉ đạt 77,6% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi). Bộ GD-ĐT hy vọng tỷ lệ thí sinh ảo năm nay thấp hơn, nhưng thực tế vẫn cao hơn năm ngoái. Kỳ thi “3 chung” dù phát huy hiệu quả nhưng vẫn gây nên căng thẳng, áp lực rất lớn cho xã hội. Vì thế, Bộ GD-ĐT vẫn đang từng bước nghiên cứu để có hình thức thi phù hợp hơn.

Trả lời câu hỏi năm 2013 có phải là năm cuối cùng thực hiện phương thức thi ĐH “3 chung”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ nay đến năm 2015, vẫn giữ “3 chung”, sau đó mới tính toán tiếp. Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học, nếu các trường có phương án tuyển sinh phù hợp thì bộ sẽ đưa ra lấy ý kiến dư luận, nếu được đồng tình thì bộ sẽ cho phép trường tuyển sinh riêng.