Kỳ vọng vào Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL
Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ được lập ra với kỳ vọng đến năm 2050 sẽ trở thành hạt nhân của đô thị sân bay, với công nghệ thông minh và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng. Trong đó, chuỗi liên kết này, có khoảng 50% – 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh…
“Đây là hội nghị quan trọng để lấy ý kiến của các bộ ngành và các địa phương trong vùng, từng bước hoàn thiện đề án theo hướng khả thi nhất trước khi trình Chính phủ”, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.
Mục tiêu của Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL (gọi tắt là Trung tâm) là nhằm đóng góp xây dựng TP Cần Thơ thành thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng tiến lên hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có hiệu lực từ năm 2022.
Theo lộ trình của đề án, năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm; lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng Trung tâm và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai; xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động trung tâm theo Nghị quyết 45/2022/QH15 như cơ chế bù giá do miễn giảm tiền thuê đất; cơ chế tài chính đối với khu phi thuế quan…
Năm 2023, hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan; đồng thời xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong Trung tâm.
Năm 2024, tiếp tục các hoạt động đầu tư vào Trung tâm và hoạt động của các doanh nghiệp trong Trung tâm.
Năm 2026, là giai đoạn quyết liệt nhất, vừa là năm theo chốt để xác định, đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm, cùng hiệu quả của chính sách đặc thù đối với thành phố…
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Long An… đã đóng góp ý kiến và khẳng định tính cần thiết và cấp bách thực hiện đề án để đáp ứng và giải quyết đầu ra cho vựa thủy sản, trái cây và lúa ở miền Tây. Trong đó, cần sớm thông luồng cho các cảng đường thủy hoạt động (cụ thể nạo vét luồng Định An) và mở rộng sân bay Cần Thơ…
“Cần Thơ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị và sẽ tiếp tục tham vấn các ý kiến đóng góp của các hiệp hội để sớm hoàn thiện đề án trình Chính phủ phê duyệt”, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.