Làm cách mạng công nghiệp 4.0 phải là tư duy mới, không làm theo tuần tự
Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2019
Ngày 3-10, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các bộ, ngành có liên quan phối hợp tổ chức khai mạc Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại diễn đàn nhấn mạnh, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều giải pháp lớn, quan trọng, mang tính quyết sách để thực hiện mục tiêu trên. Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt. Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai nhiều nhóm chính sách quan trọng như: áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; cơ cấu lại, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu; thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết toàn diện tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao.
Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời nhận thức đầy đủ đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội. Nghị quyết đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030.
“Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0 lại có ý nghĩa quyết định”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Thông tin tại diễn đàn cho thấy, đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều tên gọi khác nhau.
Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, một trong những nội dung chủ chốt trong việc tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Việt Nam, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai thử nghiệm một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Cơ sở hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin của Việt Nam được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước. Trong đó, vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020.
Kinh tế số được hình thành và phát triển với tốc độ khá nhanh, ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.