Bông súng dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thu nhập ổn định và cao hơn rất nhiều lần so với cây lúa, nhưng ít người nghĩ tới.
Anh Nguyễn Minh Toàn (41 tuổi, ở ấp 7, xã Tam Hiệp, H.Châu Thành, Tiền Giang) kể gia đình anh gồm hai vợ chồng và ba con gái, xưa làm 18 công ruộng, mỗi năm 2 vụ lúa nhưng thường xuyên bị thất mùa, vụ hè thu bị lỗ do đất trũng.
|
Vợ chồng anh Toàn đang thu hoạch bông súng |
Ruộng nhiều vậy nhưng có năm vợ chồng anh phải đi cắt lúa thuê. Năm 2002, anh quyết định bỏ lúa, chuyển sang trồng thử bông súng và nuôi cá. Cuối năm tát ruộng, bắt cá một lần. Anh không ước được chừng bao nhiêu tấn cá, nhưng mỗi lần bán được vài chục triệu đồng, đủ loại cá lóc, cá sặc, cá rô…
“Trồng bông súng ít tốn công chăm sóc, ít tốn phân, không tốn tiền thuốc, trồng 2 tháng rưỡi bắt đầu thu hoạch. Thời gian đầu mỗi ngày bán chừng vài trăm ký, nhưng khi bông súng nở rộ thì thu hoạch suốt, ngày nào cũng có tiền vô. Có ngày bán được cả triệu đồng. Thương lái đến mua tận nhà giá 2.500 đồng/kg. Hiện nay mỗi ngày tôi bán được chừng 500 kg”, anh Toàn chia sẻ.
Anh Toàn cho biết việc chuyển từ lúa sang bông súng cũng là ngẫu nhiên. Lúc đầu anh chỉ trồng một ít để ăn. Một hôm thương lái tới nhà mua củ riềng thấy vậy gợi ý anh trồng nhiều để bán. Khi bán được, anh bắt đầu trồng quy mô.
Cách trồng bông súng là cấy từng bụi, mỗi bụi cách nhau khoảng 3 m. Sau một thời gian bông súng sẽ mọc lan ra. Bông súng thu hoạch được chừng 2 năm thì tàn, nhưng khi rải phân, chăm sóc cây bông súng sẽ phát triển trở lại.
Trồng gần 2 ha bông súng nhưng không thuê lao động nên vợ chồng anh Toàn khá vất vả trong việc thu hoạch. Bông súng hái từ ruộng, đưa lên xuồng chở về nhà, rửa sạch, cắt khúc cho vào bọc ni lông. Mỗi bọc cân sẵn 20 kg. Thương lái tới lấy, trả tiền tại chỗ.
Ngoài trồng bông súng, vợ chồng anh Toàn còn nuôi bò và vịt. Hiện gia đình anh nuôi 8 con bò, trong đó có 4 con bò thịt và 4 con bò nái. Bò thịt nuôi hơn một năm thì bán. Mỗi năm bán chừng 3 – 4 con, mỗi con giá 35 – 45 triệu đồng. Vịt xiêm thì thả trong vườn, mỗi lứa khoảng 100 con, chừng 2 tháng đạt 4 kg/con và kêu thương lái tới mua giá 55.000 đồng/kg. Cứ chuẩn bị bán bầy này thì gầy bầy khác nuôi tiếp, không nghỉ.
“Làm nhiều đôi lúc thấy cũng cực, nhưng vui vì lúc nào cũng có tiền vô, sướng hơn hồi làm lúa rất nhiều. Thu nhập mỗi năm ngoài việc sửa nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt, còn lại tôi đem gửi ngân hàng”, anh Toàn chia sẻ./.
Nguồn Thanh niên
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.