Làm thế nào để có tác phẩm truyền hình hay?

Tác phẩm truyền hình hay là tác phẩm hấp dẫn công chúng cả về nội dung và hình thức thể hiện. Bài viết này xin góp bàn cách thức để có được một tác phẩm truyền hình hay, đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của công chúng xem truyền hình.

Muốn nâng cao chất lượng tác phẩm truyền hình, người làm truyền hình có thể chú ý một số nội dung sau:

Đề tài

Đề tài hay là những đề tài mang hơi thở của cuộc sống, được nhiều người quan tâm, có ý nghĩa xã hội. Nếu chọn đề tài để làm tin, thì đề tài phải mang tính thời sự, cập nhật thông tin về những sự kiện, vấn đề mới nhất diễn ra trong cuộc sống. Công chúng ngày nay có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với những thông tin mới, lạ một cách nhanh chóng từ nhiều nguồn khác nhau (qua báo mạng, các trang mạng xã hội…). Nếu tin truyền hình không biết chọn những góc độ thông tin mới, cách thức tiếp cận thông tin mới sao cho hấp dẫn nhất, đảm bảo tính chuẩn xác của thông tin thì rất khó giữ chân khán giả trước máy thu hình. Hãy nhớ rằng, tin truyền hình luôn hướng tới những sự kiện mới, nhưng không phải sự kiện nào cũng có thể làm tin.

Phóng sự thường hướng tới những đề tài mang tính phát hiện, những vấn đề mới hoặc vấn đề cũ nhưng được thể hiện ở những góc nhìn mới. Đó thường là những đề tài cần được phản ánh, phân tích, mổ xẻ để làm rõ nội dung, đáp ứng nhu cầu hiểu sâu sắc về sự việc của công chúng.

Phim tài liệu lại chú trọng tới những đề tài có tính khái quát lớn, những đề tài có thể mổ xẻ, chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem.

Hiện thực đời sống là chất liệu quan trọng nhất để người làm truyền hình phát hiện những đề tài hay.

Kịch bản

Với từng thể loại truyền hình, chúng ta có thể lựa chọn các dạng kịch bản khác nhau, có thể là đề cương sơ lược, kịch bản văn học hay kịch bản phân cảnh. Thể loại tin, do yêu cầu của tính thời sự nên kịch bản thường được hình thành trong đầu của phóng viên dưới dạng đề cương sơ lược. Mặc dù không thể hiện bằng văn bản, nhưng phóng viên phải hình thành trong đầu mục tiêu, kế hoạch cụ thể khi làm tin: góc độ phản ánh, nội dung thông tin cần đạt được, đối tượng phỏng vấn, nội dung phỏng vấn, thời gian, địa điểm ghi hình …

1

Khi làm phóng sự, khâu xây dựng kịch bản phân cảnh cần được làm cẩn thận. Kịch bản nêu được chủ đề, xác định rõ mục tiêu phản ánh, nội dung câu chuyện cụ thể, hình ảnh dự kiến, đối tượng phỏng vấn, câu hỏi dự kiến… Kết cấu của kịch bản cần chặt chẽ, phân chia thành các phần cụ thể và logic với nhau, thể hiện được nội dung trọng tâm, vấn đề mấu chốt, các nút thắt, mở ấn tượng. Nội dung của kịch bản là kết quả của quá trình thực tế, khai thác thông tin, tìm hiểu kỹ đề tài. Kịch bản càng bám sát thực tiễn, càng dễ triển khai. Kịch bản càng được trau chuốt, càng tạo thế chủ động cho phóng viên trong quá trình ghi hình, sáng tạo, hoàn thiện tác phẩm. Tuy nhiên, kịch bản cũng chỉ là những dự kiến về các việc mà phóng viên sẽ phải làm. Trên cơ sở kịch bản, sự sáng tạo linh hoạt khi tiếp cận hiện trường là vô cùng cần thiết. Có thể khi ra thực tế, nếu tinh ý, chúng ta sẽ phát hiện thêm các chi tiết hấp dẫn hơn rất nhiều so với kịch bản, thậm chí, phóng viên có thể nảy sinh những ý tưởng mới.

Ghi hình

Khâu ghi hình có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của tác phẩm.

1

Trên cơ sở kịch bản, biên tập thống nhất ý tưởng thể hiện tác phẩm với quay phim. Phóng viên quay phim sẽ chủ động ghi hình, sáng tạo hình ảnh ngoài hiện trường. Trước tiên, quay phim cần đảm bảo ghi được những hình ảnh theo yêu cầu của kịch bản. Ngoài ra, căn cứ vào thực tiễn, quay phim sẽ chủ động sáng tạo, chớp lấy những hình ảnh giá trị, cần thiết cho nội dung tác phẩm. Đối với thể loại phóng sự thì rất cần có những chi tiết hình ảnh đắt, có giá trị biểu tượng và giá trị thông tin cao. Những hình đắt này có được từ sự quan sát tinh tế, nhanh nhạy của phóng viên, chớp lấy những khoảnh khắc tại hiện trường. Đó có thể là những hình ảnh thể hiện những diễn biến bất ngờ của sự kiện, sự việc hoặc thể hiện tâm trạng, cảm xúc chân thực của nhân vật.

Các góc máy cũng cần sinh động, phù hợp, khai thác được cả những cỡ cảnh toàn, trung, cận, đặc tả tạo cái nhìn đa dạng, nhiều chiều về sự việc. Động tác máy (zoom, lia, fix,…) cũng linh hoạt tùy yêu cầu của từng thể loại. Hình ảnh còn phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật, rõ nét, không bị rung, bị nhòe, ngược sáng (trừ ý đồ nghệ thuật). Yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ cũng được tính tới đối với một số thể loại như ký sự, phim tài liệu,… để thể hiện ý đồ của tác giả.

1

Phóng viên Đào Anh Tuấn- Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang 

Trong quá trình ghi hình, cần chú ý đến việc khai thác âm thanh (lời nói, tiếng động hiện trường). Lời nói ở đây là lời của nhân vật và phóng viên ngoài hiện trường. Lời nói cần đảm bảo nghe rõ ràng, đạt tiêu chuẩn về tần số, tránh tạp âm. Sau ghi thu lời xong, đừng bỏ qua bước kiểm tra lại, đề phòng những lỗi kỹ thuật và những lỗi khách quan khác. Với tác phẩm truyền hình, sẽ rất phức tạp để có thể gặp lại nhân vật, bối cảnh để ghi lại hình và tiếng, thậm chí, phóng viên sẽ không còn cơ hội để thực hiện điều đó.

Tiếng động hiện trường là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành ngôn ngữ âm thanh của tác phẩm truyền hình. Tiếng động có vai trò bổ trợ cho hình ảnh trong việc chuyển tải nội dung thông tin. Với truyền hình, hình ảnh động hàm chứa được rất nhiều nội dung, làm cho người xem cảm giác như được tận mắt chứng kiến sự kiện. Tuy nhiên, bản thân hình ảnh không phải lúc nào cũng có thể giúp công chúng hiểu hết và hiểu đúng nội dung. Và cũng không phải lúc nào hình ảnh cũng giúp công chúng cảm nhận sự kiện một cách tinh tế. Lúc này, âm thanh sẽ có vai trò rất lớn góp phần giúp công chúng hiểu đúng, tường tận về nội dung sự kiện, vấn đề. Thậm chí, thông qua tiếng động, công chúng còn cảm nhận được những giá trị thông tin mà hình ảnh chưa bộc lộ hết. Khi xem tin về cơn bão Hayan ở Philippines, công chúng thấy hình ảnh sóng biển giận dữ, san bằng các ngôi nhà và mọi vật, người chết nằm la liệt, người sống sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng,… Hình ảnh trên đã làm cho công chúng vô cùng xúc động. Tuy nhiên, tác phẩm sẽ rất thành công, tác động sâu sắc đến công chúng, nếu như cho khán giả nghe trực tiếp tiếng động hiện trường, những tiếng gió rít, gầm rú, tiếng đổ vỡ, tiếng người la hét, kêu khóc,… Khán giả sẽ cảm nhận được rõ hơn thực trạng và đương nhiên cảm xúc sẽ nhiều hơn. Họ cảm nhận sâu sắc hơn sự khủng khiếp của cơn bão, sự giận dữ của thiên nhiên, từ đó sẽ nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai.

Hay phóng sự về nỗi nhọc nhằn của người làm muối, tác phẩm sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều nếu như cho người xem vừa chứng kiến cảnh người dân làm muối, vừa được nghe những âm thanh cào muối, tiếng xe cút kít nặng nhọc chở muối,… qua đó cảm nhận được nhiều hơn những giá trị của hạt muối.

Dựng hình

Tác phẩm hấp dẫn hay không còn phụ thuộc nhiều vào khâu xử lý hậu kỳ. Trước khi dựng hình cần tiến hành việc đọc băng, ghi lại chi tiết nội dung từng hình ảnh có thể sử dụng được (kèm theo cỡ cảnh, động tác máy và địa chỉ time/code). Sau đó, tiến hành làm kịch bản dựng. Trên cơ sở những hình ảnh có được (chọn từ phần đọc băng), tác giả tiến hành sắp xếp các hình ảnh trên giấy theo một đường dây logic nhất định để làm rõ chủ đề của tác phẩm. Việc đọc băng và làm kịch bản dựng giúp phóng viên rút ngắn thời gian khi dựng hình và không bỏ qua những hình ảnh cần thiết cho tác phẩm.

1

Đạo diễn Trần Nam Hùng và kỹ thuật viên Nguyễn Ái Quốc _ Đài PT TH Tiền Giang

Dựng hình là việc phóng viên cùng với kỹ thuật viên tiến hành dựng tác phẩm trên thiết bị dựng. Khi dựng hình cần tuân thủ ngữ pháp cấu hình. Cấu trúc toàn-trung-cận _ cận-trung-toàn được sử dụng linh hoạt. Các hình ảnh được sắp xếp đảm bảo tính logic, vừa phù hợp với thực tế cuộc sống, vừa đúng với ý tưởng, mục đích của tác giả, làm nổi bật nội dung tác phẩm, tạo được cảm xúc cho người xem. Tiết tấu của hình ảnh nhanh hay chậm còn phù thuộc vào từng thể loại và mục đích của tác giả. Tin, phóng sự ngắn thường có tiết tấu nhanh, độ dồn nén thông tin cao. Phim tài liệu lại có tiết tấu chậm hơn. Việc sử dụng kỹ xảo cũng phải phù hợp mới làm tôn thêm giá trị cho tác phẩm.

1

Kỹ thuật viên dựng hình Huỳnh Thị Phước Mai _ Đài PT TH Tiền Giang

Việc cân đối giữa hình và tiếng trong khi dựng rất cần được chú ý. Nếu hình ảnh và âm thanh (lời bình, tiếng động, âm nhạc) kênh nhau, không phù hợp về tiết tấu, nội dung, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của tác phẩm. Chẳng hạn, nếu để tiếng động quá to, át cả lời bình gây tạp âm, làm khán giả rất khó tiếp nhận thông tin. Hoặc hình ảnh chuyển động theo tiết tấu chậm, lời bình, âm nhạc lại chạy theo tốc độ gấp gáp sẽ tạo cho người xem cảm giác khó chịu.

Hình ảnh và âm thanh phải hòa quyện và tôn nhau lên.

Lời bình

Lời bình thường được viết sau khi dựng hình sẽ phát huy hết vai trò của ngôn ngữ hình ảnh trong việc chuyển tải nội dung thông tin. Lời bình không nên nhắc lại, kể lại những gì khán giả thấy được trên màn hình mà cung cấp, bổ sung thêm những thông tin ngoài hình. Ngôn ngữ cần ngắn gọn, súc tích, gợi sự liên tưởng, nói được những chi tiết mà hình ảnh không thể diễn đạt được. Lời bình tốt là lời hỗ trợ cho hình ảnh trong việc chuyển tải nội dung thông tin, giúp công chúng hiểu sâu sắc, thấu đáo hơn về sự việc, tác động mạnh vào cảm xúc của người xem. Tuy nhiên, nên tránh việc nhồi nhét lời bình, tước đi của công chúng cơ hội cảm nhận thông tin qua các kênh ngôn ngữ khác như hình ảnh, tiếng động hiện trường, âm nhạc. Với những tác phẩm dài hơi, chỉ có hình ảnh với dày đặc lời bình sẽ làm công chúng nghẹt thở (ức chế, mệt mỏi khi tiếp nhận thông tin). Họ phải căng tai, căng óc để xem, nghe, suy nghĩ và đôi khi lời bình lại ép khán giả hiểu nội dung theo một chiều hướng bắt buộc. Hãy để người xem có khoảng thời gian tự cảm nhận về sự kiện, sự việc bằng những âm thanh có thực tại hiện trường. Có thể  tạo khoảng trống lời bình cần thiết để  giúp khán giả sống chung với bối cảnh diễn ra sự kiện, hiện tượng. Ở một số chương trình truyền hình nước ngoài, người ta thực hiện rất thành công những phóng sự hoàn toàn không có lời bình mà chỉ có hình ảnh và tiếng động hiện trường. Người xem được cảm nhận âm thanh thực của cuộc sống bên cạnh hệ thống hình ảnh chân thực, hấp dẫn.

Dẫn hiện trường

1

Phóng viên Kim Nữ- Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang 

Có những tác phẩm truyền hình rất cần sự xuất hiện của phóng viên ngoài hiện trường để tăng tính chân thực, cung cấp thêm những thông tin xung quanh câu chuyện được phản ánh. Một loạt phóng sự ngắn của Đài Truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây đã làm xúc động người xem khi được chứng kiến hình ảnh phóng viên có mặt tại những vùng bão lũ nguy hiểm, cung cấp những thông tin mới nhất về cơn bão, công tác phòng chống bão, hay những thiệt hại nơi cơn bão đi qua. Chính sự xuất hiện này của phóng viên đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, tác động mạnh mẽ vào cảm xúc của người xem. Trong nhiều trường hợp, việc phóng viên xuất hiện trước ống kính nhằm mục đích dẫn dắt, chuyển ý nội dung phản ánh, hoặc để tạo điểm nhất cho tác phẩm. Tuy nhiên, nếu không chú ý, việc phóng viên xuất hiện nói trước ống kính có thể đi ngược lại với mong muốn tăng hiệu quả tác động cho tác phẩm. Nếu nói quá nhiều sẽ làm công chúng căng thẳng, hết hứng thú theo dõi. Nên nói khoảng 2, 3 câu, tránh nói những từ đơn điệu, dập khuôn và khai thác cả ngôn ngữ hình thể (khuôn mặt biểu lộ cảm xúc, ánh mắt, tay,…) để chuyển tải thông tin. Giọng nói cần rõ ràng, rành mạch, tròn chữ, dễ nghe, phát âm đúng, chuẩn chính tả, không nói ngọng, nói lắp. Tất nhiên, người dẫn phải có nền tảng văn hóa tốt, vốn sống phong phú, hiểu biết sâu, rộng về nội dung dẫn, phù hợp với nội dung chương trình. Về ngoại hình, cần chú ý ăn mặc và trang điểm phù hợp với từng hoàn cảnh mà phóng viên xuất hiện

ThS NGUYỄN MINH HẢI