Làm thế nào để học sinh sử dụng điện thoại 1 cách hợp lý?

(THTG) Hiện nay, các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… đã trở thành vật dụng hữu ích đối với nhiều người, trong đó có học sinh, sinh viên, bởi các tính năng hỗ trợ đắc lực trong học tập, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các em dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng. Do đó, làm thế nào để các em học sinh sử dụng điện thoại 1 cách hợp lý, đòi hỏi gia đình và nhà trường phải quan tâm giáo dục các em.

Theo Thông tư 32 ban hành năm 2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo thì “Học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép”.  Theo Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi trường có khoảng 70 – 85% học sinh có điện thoại thông minh. Việc cho học sinh sử dụng điện thoại là nhu cầu tất yếu trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, chưa kể việc sử dụng điện thoại đối với một số trường hợp rất cần thiết.

Xây dựng nội quy sử dụng điện thoại trong trường học sẽ giúp học sinh tận dụng những lợi ích từ điện thông minh vào việc học. Ảnh: Bùi Phong

Do vậy, thay vì cấm các em sử dụng điện thoại, các trường xây dựng nội quy về việc sử dụng điện thoại trong trường học. Theo đó, các em phải tắt điện thoại trong giờ học trên lớp, điện thoại chỉ được mở khi giáo viên môn học đó cho phép. Việc cấm sử dụng điện thoại không phải là biện pháp giải quyết vấn đề, mà quan trọng hơn là phải tác động vào ý thức để học sinh tự cân nhắc nên sử dụng như thế nào cho hợp lý.

Theo nhiều học sinh THPT: Điện thoại thông minh có đầy đủ các tính năng nghe, gọi, chụp ảnh, quay video và truy cập internet. Ngoài thuận tiện trong việc liên lạc cá nhân, điện thoại cũng hỗ trợ các em rất nhiều trong quá trình học tập như tìm kiếm thông tin, tài liệu nhanh chóng, trao đổi bài tập với các bạn một cách dễ dàng, nắm bắt thông tin của trường, lớp thông qua nhóm Zalo rất kịp thời.

Bên cạnh những lợi ích, việc sử dụng điện thoại thông minh cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho học sinh khi sử dụng không đúng cách, nhất là khi các em truy cập vào các trang web xấu, độc hại. Việc lạm dụng điện thoại không chỉ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, trí tuệ mà còn tác động xấu đến quá trình hoàn thiện nhân cách của các em. Do đó, học sinh cần được trang bị những kỹ năng phòng chống rủi ro trên môi trường mạng, không cung cấp thông tin cho người lạ, biết chặn tin nhắn rác, không xem các trang có nội dung không phù hợp. Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cũng cần quan tâm đến việc sử dụng điện thoại di động của học sinh, xây dựng cho các em ý thức sử dụng điện thoại một cách hợp lý, hiệu quả.

           Thu Thủy