Làn sóng Covid-19 thứ 3 trở lại nước Mỹ “khủng khiếp” hơn
Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới vượt qua mốc 10 triệu ca nhiễm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 đang càn quét nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Mỹ ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục là 131.420 hôm 7-11 và hơn 100.000 ca nhiễm mới 4 lần trong vòng 7 ngày. Báo cáo gần đây cho thấy mức trung bình ca nhiễm mỗi ngày trong 7 ngày của Mỹ là 105.600 ca, tăng ít nhất 29% và nhiều hơn số ca nhiễm trung bình cùng kỳ cộng lại của Ấn Độ và Pháp, hai nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nề nhất châu Á và châu Âu.
Số ca nhiễm mới tăng nhanh tại Mỹ. Ảnh: AP
Tính đến nay đã có hơn 237.000 người thiệt mạng vì dịch Covid-19 tại Mỹ. Các chuyên gia y tế cho rằng số ca tử vong có xu hướng tăng từ 4 đến 6 tuần sau khi xuất hiện làn sóng ca nhiễm mới.
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden được truyền thông Mỹ cho rằng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 7-11 cam kết đưa việc giải quyết đại dịch Covid-19 trở thành ưu tiên hàng đầu. Ông Biden sẽ công bố một đội đặc nhiệm gồm 12 thành viên vào ngày 9-11 để đối phó với đại dịch Covid-19.
Đội chuyên trách này sẽ được giao nhiệm vụ phát triển một kế hoạch chi tiết về việc ngăn chặn dịch bệnh sau khi ông Biden được dự đoán nhậm chức vào tháng 1-2021.
Nếu tính trung bình 7 ngày thì thế giới ghi nhận hơn 540.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hơn 1,25 triệu người đã chết vì dịch Covid-19. Phải mất 32 ngày để số ca nhiễm tăng từ 30 triệu lên 40 triệu ca nhưng chỉ mất 21 ngày để tăng thêm 10 triệu ca.
Châu Âu với hơn 12 triệu ca nhiễm là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vượt qua Mỹ Latinh. Châu Âu chiếm 24% số ca tử vong do dịch Covid-19 trên toàn cầu. Theo phân tích của Reuters, khu vực này đang ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm mới mỗi 3 ngày hoặc lâu hơn, tương đương 51% tổng số ca nhiễm mới toàn cầu.
Pháp hiện ghi nhận 54.440 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày tính trung bình 7 ngày gần nhất, cao hơn so với Ấn Độ, nơi có dân số đông hơn nhiều.
Làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu đang là phép thử đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp châu Âu, khiến Đức, Pháp và Anh ban bố nhiều biện pháp phòng dịch mới.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.