Làn sóng di cư ở miền Tây: Chuyên gia nói gì về giải pháp căn cơ?
Kết quả tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 và Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 cho thấy, trong 10 năm qua thì đã có hơn 1,3 triệu người dân ĐBSCL di cư khỏi vùng này.
Có tới gần 62% người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ. Áp lực nhập cư đối với các đô thị ở nước ta là rất lớn, lớn nhất là tại các đô thị đặc biệt. Cứ 1000 người dân sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước và 5,3 lần khu vực nông thôn.
Hầu hết những người trẻ tuổi rời bỏ ruộng đồng, di cư lên thành phố tập trung ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương. Trong mấy năm qua, xuất hiện cụm từ “đi Bình Dương” để chỉ những người rời quê đi làm thuê, phần lớn là lao động cơ bắp, thu nhập trung bình thấp nhưng họ với hy vọng là tìm kiếm sinh kế thay thế khấm khá hơn là thu nhập rất bấp bênh ở quê.
Những bất ổn về an ninh trật tự, giao thông, môi trường tác động xấu đến những khu vực đô thị đón nhận dòng nhập cư ồ ạt và cũng tác động xấu trở lại khu vực nông thôn làm tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc, những lối sống không lành mạnh. Rõ ràng vấn đề mà xuất cư với số lượng đông đảo như thời gian vừa qua là một chỉ dấu đáng lo ngại cần có những giải pháp để tập trung giải quyết.
Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông thôn miền Tây chính là nguyên nhân đẩy lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống một cách rất là chông chênh. Theo TS Hiệp, sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển của bất kỳ một vùng đất, một quốc gia nào trên thế giới là điều tất yếu nhưng vấn đề lo ngại là tình trạng “di cư bị động”.
Đã có bằng chứng cho thấy, việc chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn miền Tây chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động. Phát triển tiểu khu công nghiệp và ngành nghề truyền thống đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.
“Cần xem việc xuất cư và cuộc “di cư ngược” trong đại dịch Covid-19 của người lao động miền Tây như là chỉ dấu để rà soát chính sách, bố trí lại cơ cấu lao động, đảm bảo các yêu cầu phát triển cân đối, tính toán phương kế lâu dài cho một thị trường lao động đang rất bấp bênh, chông chênh và thiếu phối hợp giữa hai khu vực lớn là miền Đông và miền Tây Nam bộ – nơi mà công nghiệp phát triển tốc độ đô thị hóa tăng cao và một nơi còn là nặng nông nghiệp và thiếu việc làm”, ông Hiệp nhận định.
Vị chuyên gia khuyến cáo cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ. Cuộc “trao đổi” này tạo ra những áp lực về giao thông, đi lại, về chỗ ở… đặc biệt câu chuyện nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội là điều hiện còn khiếm khuyết và cần được lưu tâm. Báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, có đến 19% người di cư phải sống trong những ngôi nhà/căn hộ có diện tích chật hẹp bình quân đầu người dưới 8m2.
“Thời gian tới cần phải có những chính sách ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng phải được giải quyết hài hòa giữa hai khu vực. Không thể dồn tất cả vào các đô thị lớn mà việc phân bố, đầu tư, thu hút các doanh nghiệp cần giãn ra ở những khu vực nông thôn vừa tạo ra một không gian phát triển mới nhưng đồng thời cũng phân bố lại lao động”, ông Hiệp phân tích.
Đồng bằng sông Cửu Long đang trước nhiều thách thức nhưng nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chuyển hướng chiến lược trong tư duy phát triển Vùng.
Từ việc khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh dịch chuyển sang thích ứng thuận thiên, phục hồi và tăng cường “sức khỏe” cho đồng bằng; biến thách thức thành cơ hội và lấy con người làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi trong quá trình phát triển.
Vấn đề không chỉ là nhận diện nguy cơ, thách thức mà quan trọng hơn là xác định thời cơ để Vùng này chuyển đổi sang một mô hình phát triển mới theo hướng tăng giá trị, phát huy các nguồn lực tự nhiên – con người – khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hỗ trợ di cư an toàn
Các Nghiên cứu của Tổ chức phi chính phủ CARE ghi nhận, hầu hết người lao động đi làm ăn xa thường nghĩ rất đơn giản và thiếu sự chuẩn bị. Họ chỉ nghe người này nói người kia nói “lên thành phố vào khu công nghiệp làm việc”. Người dân không chuẩn bị về thông tin, kinh phí, tâm lý; vì vậy luôn gặp những rủi ro và bất lợi như thường không tìm được việc làm, bị lừa đảo, thậm chí là bạo lực và bóc lột lao động…Vì thế, Care đã và đang cố gắng cung cấp một gói thông tin di cư an toàn.
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Hương – Chuyên gia nghiên cứu chính sách của CARE chia sẻ về việc trang bị kỹ năng cho người lao động trước khi gia nhập vào thị trường lao động: “Trước hết là kỹ năng đi tìm việc. Họ cần phải hiểu về Luật lao động ra sao, cần hiểu về hợp đồng lao động như thế nào? Họ có những quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ như thế nào?
Chúng tôi sẽ tìm kiếm và truyền đạt các thông tin liên quan đến các hình thức lừa đảo hướng dẫn cho họ phải xử lý khi đối mặt. Cuối cùng, chúng tôi cung cấp thông tin về chính sách mà những người lao động đi làm ăn xa. Họ nên biết rằng ở địa phương và kể cả nơi họ đến có những chương trình hỗ trợ chính sách thế nào, họ cần phải biết rõ để tiếp cận …”
Bởi vậy, Care quan tâm hỗ trợ trực tiếp và có những hành động cụ thể như thành lập siêu thị 0 đồng, hỗ trợ tiền mặt từ 1-3 triệu đồng/ người cho hơn 1.000 công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai
Tiến sĩ Hương cho hay: “Chúng tôi hỗ trợ tiền mặt trực tiếp đối với người lao động, tập trung vào những nhóm bị mất việc, ưu tiên phụ nữ có thai, phụ nữ đơn thân, phụ nữ dân tộc thiểu số và những người khuyết tật. Trong đó nhóm lao động di cư cũng chiếm một tỷ lệ rất lớn…”
Ngoài ra, Care còn hỗ trợ thêm các sáng kiến phát triển hoạt động kinh doanh hoặc tạo thu nhập cho người lao động. Tuỳ vào từng dự án kinh doanh, Care giúp họ có nguồn vốn để có thể thực hiện các ý tưởng sinh kế thay thế cho công việc đang bị mất.
Quan tâm đến người ở lại…
ĐBSCL chưa thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Bởi lẽ, tình trạng trẻ em ngoài nhà trường, dân số chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao so với các vùng kinh tế- xã hội khác của cả nước.
Tỷ lệ dân số ở trong độ tuổi đi học trung học phổ thông nhưng không đi học chiếm 37,5%; tỷ lệ này ở độ tuổi trung học cơ sở là 12,0%. Tỷ lệ dân số từ 15 trở lên không qua đào tạo chiếm 90,3%.
Miền Tây cũng có tỷ lệ dân số tốt nghiệp THPT (11,3%) và tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật (9,7%) thấp nhất nước; trẻ em không được thụ hưởng giáo dục, không đến trường cao nhất nước với gần 14%.
Theo Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2022, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên.
Nguyên nhân chính là do quá trình cơ giới hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế khiến lao động trong khu vực nông nghiệp trở nên dôi dư, trong khi khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm nên không hấp thụ hết.
Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tác động của xâm nhập mặn, hạn hán,… khiến nhiều lao động nông thôn không còn đất để canh tác, lâm vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm.
Thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước. Mặc dù ĐBSCL có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (độ rộng của nghèo) giảm mạnh từ 19,5% năm 2016 xuống 8,1% năm 2020, nhưng ĐBSCL vẫn xếp thứ hai về nghèo đa chiều, chỉ đứng trên khu vực Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) gần như không được cải thiện.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) khuyến nghị, các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế xã hội cần tính đến yếu tố di cư và vai trò của di cư đối với đô thị hóa; cần phải phân bổ ngân sách cho các nhóm dân số di cư để họ có thể tiếp cận các thông tin và dịch vụ công.
Do phần lớn người di cư là người trẻ tuổi, điều quan trọng là cần phải có các chính sách cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kỹ năng sống, đặc biệt là cho phụ nữ di cư – đối tượng dễ bị tổn thương.
Trong các dịch vụ công cũng cần phải có dịch vụ phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.
“Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội cũng cần tính đến các yếu tố di cư và hỗ trợ người di cư ở các địa phương. Trong đó có cả các chính sách về tiếp cận nhà ở, giáo dục (đặc biệt cho trẻ em di cư), việc làm (đặc biệt cho các phụ nữ di cư) và chăm sóc sức khỏe.
Các chính sách xã hội cũng cần phải chú trọng đến người già là cha mẹ của người di cư bị bỏ lại ở địa phương. Những chính sách như vậy cần phải được xây dựng dựa trên bằng chứng và dữ liệu di cư, những dữ liệu cần phải được thường xuyên thu thập và phân tích sâu hơn”, Bà Naomi Kitahara phân tích thêm.
Hiện UNFPA đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết những vấn đề cụ thể về di cư, đặc biệt nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của UNFPA nhằm tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu. Một trong những hoạt động hỗ trợ đó là hỗ trợ thực hiện Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, nghiên cứu về Bạo lực đối với phụ nữ và hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch, hộ khẩu. Những hỗ trợ này nhằm giúp Việt Nam có thể đưa ra các quyết sách và phân bổ ngân sách dựa trên các bằng chứng./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.