Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động đón Tết Bính Thân
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, đón Tết Bính Thân, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đón Tết Bính Thân 2016. |
Theo đó, các hoạt động đón Tết Bính Thân 2016 gồm: dựng cây nêu ngày Tết theo phong tục cổ truyền và chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” Xuân Ất Mùi 2015 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Internet) Chương trình dựng cây nêu ngày Tết theo phong tục truyền thống của dân tộc Kinh để thờ kính thần linh, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn, loại trừ những điều xấu của năm cũ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người; mong muốn cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đón tết bình an, hạnh phúc với nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Cây nêu được dựng tại quảng trường làng dân tộc II, khu các làng dân tộc từ 10 giờ đến 10 giờ 30 phút ngày 30-1, hạ cây nêu vào ngày 14-2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Bính Thân). Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” năm 2016 với chủ đề “Xuân sum họp – Tết sẻ chia” được tổ chức tại các không gian: Quảng trường khu làng III, khu các làng dân tộc; sân sau Chính điện Chùa Khmer; nhà dân tộc Thái, dân tộc Mường… thuộc khu các làng dân tộc. Tham gia chương trình dự kiến có khoảng 500 người đến từ các đơn vị, tổ chức, quân đội, doanh nghiệp; phật tử; đoàn viên thanh niên, phụ nữ ưu tú thuộc Hà Nội và các địa phương lân cận…Chương trình sẽ chuẩn bị khoảng 2.000 túi quà (một túi quà gồm hai bánh chưng, một hộp mứt Tết (các loại kẹo, bánh) tùy theo kết quả huy động tài trợ để trao cho các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Các đối tượng nhận quà tình nghĩa của chương trình dự kiến gồm: Thương binh, bệnh binh nặng đang được chăm sóc tại các trung tâm thuộc Thị xã Sơn Tây, Hà Nội và Ba Vì; trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa đang được chăm sóc tại các trung tâm và một số đối tượng khác thuộc thị xã Sơn Tây, Ba vì, Hà Nội; trẻ em dân tộc nghèo, hoàn cảnh khó khăn thuộc tỉnh Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng; nạn nhân chất độc màu da cam thuộc các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (các xã Cổ Đông, Yên Bình, Yên Bài…), Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn La theo đề xuất của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Lễ Khai mạc chương trình gói bánh chưng diễn ra từ 9 giờ đến 10 giờ ngày 30-1, tổ chức gói và luộc bánh chưng từ 10 giờ đến 18 giờ cùng ngày. Ngày 31-1, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả huy động và tổ chức trao tặng quà tượng chưng cho các đối tượng và đi trao quà tới tận tay một số đối tượng đặc biệt do Ban tổ chức lựa chọn. Từ ngày 1 đến 3-2, tổ chức đến một số địa phương để trao túi quà. Tổ chức các hoạt động đón Tết Bính Thân cũng là dịp để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nét văn hóa đặc sắc trong truyền thống đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp để các thế hệ người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, góp phần tiếp nối và phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, chung tay đón Tết cổ truyền ấm áp nghĩa tình, hướng tới một năm mới bình an, tốt đẹp. |
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.