Lãnh đạo huyện Tân Trụ, tỉnh Long An học tập kinh nghiệm Chương trình giảm nghèo bền vững tại thị xã Cai Lậy
(THTG) Chiều 8/11, bà Võ Thị Búp – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy, Phó Trưởng Ban phụ trách chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thị xã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của huyện Tân Trụ tỉnh Long An do ông Trương Minh Trí – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ làm Trưởng đoàn đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 tại thị xã Cai Lậy. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của thị xã Cai Lậy và huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Phạm Thanh Mộng – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) thị xã đã thông tin với đoàn một số kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của thị xã trong thời gian qua. Theo đó, thị xã Cai Lậy xác định 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là 2 chương trình trọng điểm của thị xã giai đoạn 2021 – 2025. Chính vì vậy, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ cả 2 chương trình. Trong đó, thị xã ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nông thôn mới; cùng với đó là sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân nên công tác giảm nghèo ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2020 chiếm 1,48%; đến nay giảm xuống còn 0,69%, tỷ lệ giảm 0,79%.
Trưởng Phòng LĐTB&XH thị xã Cai Lậy Phạm Thanh Mộng thông tin kết quả công tác giảm nghèo của địa phương
Trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn thị xã đã triển khai thực hiện 5 Dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Đặc biệt, trong năm 2024, Phòng LĐTB&XH, và Phòng Kinh tế thị xã thực hiện 12 mô hình trong Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và 6 mô hình trong Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã còn gặp một số khó khăn nhất định; đó là: Phần lớn tỷ lệ hộ nghèo của thị xã đều rơi vào những trường hợp người già yếu; đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề còn ít nên khó khăn trong mở lớp cũng như thực hiện các dự án của chương trình giảm nghèo. Do vậy, trong thời gian tới, để công tác giảm nghèo thực hiện có hiệu quả hơn, thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội”, ông Phạm Thanh Mộng thông tin thêm.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của thị xã Cai Lậy và huyện Tân Trụ đã trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo ở 2 địa phương trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ Trương Minh Trí phát biểu trong buổi làm việc
Bà Võ Thị Búp – Phó Chủ tịch UBND thị xã phát biểu tại buổi làm việc
Bày tỏ vui mừng khi được đến thăm và học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại thị xã Cai Lậy, ông Trương Minh Trí – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ nhấn mạnh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là 2 địa phương của 2 tỉnh giáp ranh với nhau nên có điểm tương đồng trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, những mô hình thực hiện giảm nghèo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của thị xã Cai Lậy có thể vận dụng để áp dụng ở huyện Tân Trụ trong thời gian tới. Sau chuyến tham quan thực tế này, huyện Tân Trụ sẽ tập trung nhiều nguồn lực trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện trong phát triển sinh kế để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Võ Thị Búp – Phó Chủ tịch UBND thị xã đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bà cho biết, chương trình này nhằm mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, để từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Thị xã còn thường xuyên tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác để áp dụng vào thực tiễn trên địa bàn thị xã. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của thị xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đồng thời, qua các buổi tiếp và làm việc với các đoàn công tác, chúng tôi cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu để hoàn thiện hơn nữa công tác giảm nghèo tại địa phương.
Lãnh đạo huyện Tân Trụ trao tặng bức tranh con đường hàng cau vua (hay còn gọi là con đường Hạnh phúc) của huyện Tân Trụ cho lãnh đạo thị xã Cai Lậy
Trong không khí ấm áp của chuyến thăm và làm việc tại thị xã Cai Lậy, lãnh đạo thị xã và huyện Tân Trụ đã trao tặng những phần quà ý nghĩa; đồng thời, khẳng định quyết tâm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
* Trước đó, Đoàn công tác của huyện Tân Trụ đã có dịp tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất hiệu quả tại thị xã Cai Lậy. Đoàn đã đến thăm các hộ dân đang triển khai mô hình nuôi cá sinh sản, cá giống và cá kiểng tại phường Nhị Mỹ, cũng như các cơ sở may công nghiệp tại phường 1, phường 2 và phường 4, thị xã Cai Lậy./.
Hữu Nghị
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.