Lễ hội Áo dài năm 2017 tại TPHCM
Ban tổ chức kỳ vọng Lễ hội Áo lần này sẽ tạo tiền đề cho một lễ hội văn hóa uy tín, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TPHCM. |
Lễ hội Áo dài lần 4 với chủ đề “Duyên dáng Áo dài TPHCM” sẽ diễn ra từ ngày 3-17/3, do Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức.
Lễ hội năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm truyền tải thông điệp nét đẹp, duyên dáng và vẹn nguyên của chiếc áo dài Việt Nam qua các thời đại với mọi đối tượng, tạo tiền đề cho một lễ hội du lịch văn hóa thường niên uy tín, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TPHCM.
Trong những năm qua, lễ hội áo dài là một trong những hoạt động văn hóa góp phần quan trọng vào sự phát triển của du lịch Thành phố, góp phần quảng bá điểm đến TPHCM với du khách trong và ngoài nước. Qua 3 năm tổ chức (lần đầu vào năm 2014), Lễ hội Áo dài dần khẳng định thương hiệu với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2014, lễ hội đón 50.000 lượt khách tham gia, 2015 đón 41.835 lượt và 2016 đón 50.678 lượt. Các con số này cho thấy Lễ hội Áo dài không chỉ dừng lại ở một lễ hội văn hóa mà sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Thành phố.
Tại lễ hội sẽ diễn ra 13 hoạt động chính, như chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội “Tinh hoa Áo dài Việt” diễn ra vào lúc 19h ngày 3/3. Đây là chương trình nghệ thuật mở màn cho lễ hội với sự xuất hiện của bộ sưu tập áo dài, do các nhà thiết kế nổi tiếng gắn bó lâu năm với Áo dài Việt, như nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Minh Hạnh, Lan Hương, Liên Hương, Võ Việt Chung… Chương trình “Áo dài Việt Nam – nét duyên cùng năm tháng” diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 4/3. Chương trình sẽ tôn vinh các nhà thiết kế, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân dệt vải, thợ may… đã cùng tạo ra nét đẹp cho chiếc áo dài.
Ngoài những hoạt động chính diễn ra xuyên suốt lễ hội tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, lễ hội năm nay cũng nhận được sự đồng hành của các sở, ban, ngành để cùng chung tay quảng bá hình ảnh áo dài đến du khách bằng nhiều hành động thiết thực.
Những hoạt động này mang những đặc trưng và được diễn ra trong không gian mở, có nhiều tính tương tác và có nhiều điểm mới. Cụ thể, lần đầu tiên có sự đồng diễn và diễu hành áo dài với hơn 3.000 người tham gia với độ tuổi và nhiều ngành nghề khác nhau. Thêm vào đó, chương trình “Áo dài Việt Nam – Hội tụ và thăng hoa” còn có sự tham gia của lãnh sự và phu nhân các nước trong y phục áo dài, cùng các du học sinh các nước tại Việt Nam.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.