Lễ hội đang bị biến tướng, biến dạng ghê gớm
Việc đưa lễ hội về nguyên gốc nguyên thủy của nó khó khả thi, nhưng không có nghĩa là không có cách để trả lễ hội về đúng ý nghĩa vốn có của nó.
Cho dù có nhiều ý kiến, thì mùa xuân Mậu Tuất 2018 này, người dân làng Ném Thượng Bắc Ninh cũng vẫn “chém” lợn ở sân đình. Và nhiều lễ hội “cướp”, “đâm”… ở một số địa phương cũng chưa có gì thay đổi.
Từ đây dấy lên nhiều ý kiến về các lễ hội truyền thống liên quan “chặt, chém” có “đầu rơi, máu chảy” nói riêng, và các lễ hội truyền thống mang màu sắc tâm linh nói chung nên bảo tồn, duy trì, phát triển như thế nào cho hợp với xu thế mới?
Một đất nước có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hàng mấy ngàn năm, là một quốc gia như một đại gia đình gồm 54 dân tộc anh em nên mang trong mình rất nhiều bản sắc riêng. Con số gần 9.000 lễ hội hàng năm, trung bình 25 lễ hội/ngày chính là thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tính chất riêng biệt của mỗi dân tộc, vùng, miền địa lý, lịch sử…
Đặc biệt, lễ hội ở Việt Nam phần lớn gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng.Hàng năm, có lẽ không có nơi nào ở Việt Nam lại không mở lễ hội, nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày, và đặc biệt có vài lễ hội kéo dài cả 3 tháng như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh). Có nhiều lễ hội ở vùng, miền trở nên nổi tiếng và trở thành một địa chỉ hành hương tâm linh hàng năm hay trong cuộc đời của mọi người.
Nhưng cũng chính vì có quá nhiều lễ hội (chưa dừng ở con số này, vì hiện thời vẫn còn nhiều lễ hội đang có chiều hướng phục hồi lại), nên việc làm sao cho lễ hội mang đúng ý nghĩa gốc của nó, đúng tầm của nó, phù hợp với xu thế hội nhập hiện đại thật sự là bài toán nan giải gần như đang vượt tầm kiểm soát của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu xã hội, văn hóa, lịch sử…
Lễ hội thời @ đã bị biến tấu biến dạng.
Từ nguồn gốc là nơi hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui, lễ hội hiện tại đã và đang dần bị biến tấu, biến dạng và biến tướng.
Theo cách nghĩ truyền thống, thì lễ hội ở Việt Nam là những sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. “Lễ” là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. “Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống đi kèm theo “Lễ”.
Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một một đối tượng linh thiêng cần được tôn thờ, kính ngưỡng, trọng vọng…, và như một cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, một sự tiếp nối truyền thống để không bao giờ bị đứt gãy, đứt đoạn hay biến mất.
Xã hội phát triển, nhiều chân giá trị văn hóa truyền thống tưởng như mai một, biến mất thì nay đang dần phục hồi thông qua các lễ hội. Nhưng do nhiều lý do khi phục hồi lại mà các lễ hội đã bị mất đi cái gốc nguyên thủy nguyên sơ của nó, làm cho lễ hội vô tình mang một ý nghĩa khác đi.
Đơn cử như lễ hội chùa Hương (Hà Nội). Truy gốc của lễ hội này qua một số tư liệu lịch sử từ thời các Chúa Trịnh, chùa Hương này là mô phỏng chùa Hương Tích ở Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, trên đỉnh núi Hồng Lĩnh. Và ngày trước vào đầu năm mới mọi người đi trảy hội chùa Hương, là đi đến lễ chùa, bái Phật, chiêm ngưỡng vùng non nước cẩm tú, sơn thủy hữu tình với hang động, rừng cây, chim muông, kỳ hoa dị thảo… như một cuộc du xuân thưởng ngoạn non xanh nước biếc, hay hành hương về miền đất Phật linh thiêng…
Còn bây giờ, khai hội chùa Hương như một cuộc diễn trình sân khấu hóa, có kịch bản, có đạo diễn, rồi hát múa, đàn loa, kèn trống…, ồn ào, người người đi như tranh như cướp, cảnh mua thần bán thánh, cướp khách đi đò, ăn uống phàm tục, sát sinh thú rừng…
Và không chỉ khai hội Chùa Hương, mà nhiều lễ hội khác cũng biến ngày khai hội thành những show sân khấu hóa, mất đi hẳn sự tôn nghiêm như vốn có của nguyên gốc. Chưa kể họ còn biến tấu làm sai ý nghĩa của phong tục như việc phát ấn Đền Trần (Nam Định, Thái Bình), hay chuyện ban lộc của Bà Chúa Kho (Nam Định), xoa tiền trên chuông Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh), tượng Phật La Hán chùa Bái Đính (Ninh Bình)…
Những lễ hội có phần “chém”, “chặt”, “đâm”, “cướp”… trước đây chỉ có trai tráng và người già ở làng chứng kiến như một nghi lễ có tính tâm linh, gắn với truyền tích của làng, thì nay được trình diễn như một show cộng đồng, có sự tham gia của đông đảo người dân không chỉ của làng mà tứ phương, không chỉ người lớn mà có cả trẻ con.
Và những cảnh “sân đình đẫm máu” sau nghi lễ “chém”, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” để tranh cướp lộc lấy may, chen lấn để có một chỗ đứng trong lễ giải sao hạn, rải tiền lẻ lễ , đốt vàng mã như xả rác khắp các nơi thờ tự…, làm cho các lễ hội trở nên một “thảm cảnh” kinh hoàng.
Lễ hội của ai thì “ở’ nhà đó?
Lễ hội ngoài ý nghĩa văn hóa tâm linh, phong tục tập quán, thì ở khía cạnh kinh tế là một sản phẩm du lịch mang tính độc đáo và có thể “đắt hàng”, thu lợi nhuân cao. Đã có nhiều địa phương số tiền thu được sau lễ hội đã bằng thu nhập cả năm người dân dầm mưa dãi nằng vất vả trên đồng ruộng.
Nhưng không phải vì thế mà có thể “biến” gần 9.000 lễ hội thành các sản phẩm du lịch mà không có những quy chuẩn, quy chế, định chế khác nhau.
Đã có những phân loại, phân cấp: lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp huyện và lễ hội cấp làng…, nhưng rõ ràng hiện tại ranh giới quốc gia- tình thành- huyện- làng xã cũng rất mong manh. Vì ở đâu có lễ hội là mọi người đều có quyền tham gia, chẳng cần phân biệt cấp nào, cứ thích là đi.
Nhưng để lễ hội chỉ được diễn ra trong phạm vi hẹp làng xã thì lại không hài lòng thỏa mãn cái tính thích phô trương danh tiếng, thanh thế của lễ hội làng mình với tứ phương. Và lại “đụng” tới một cá tính của người Việt mình “con gà tức nhau tiếng gáy”, chẳng ai thích trò “áo gấm đi đêm”, nên cứ phải “hoành tráng”, náo nhiệt mới chừng tỏ cái “linh” của lễ hội làng mình.
Lễ hội chính là sản phẩm của một nền văn hóa dân gian đa dạng, mà văn hóa thì vốn có tính tiếp biến, không bao giờ ngừng thay đổi. Việc đưa lễ hội về nguyên gốc khó khả thi, nhưng không có nghĩa là không có phương cách để trả lễ hội về đúng ý nghĩa vốn có của nó.
Các nhà quản lý văn hóa- di sản cần tinh lọc bớt những lễ hội, chỉ để lại cái nào thực sự vừa mang tính văn hóa dân gian truyền thống kề thừa, vừa có thể phù hợp với cuộc sống hiện tại, tránh lãng phí tiền bạc, sức người, sức của và cả những hệ lụy không tốt do lễ hội mang lại trong mắt bạn bè quốc tế.
Cần trả những lễ hội về đúng chỗ của nó, “ai về nhà nấy”, không nên khuếch trương, mở rộng hay nâng cấp ào ạt lên thành “di sản” quốc gia, tỉnh thành nhiều lễ hội cấp làng xã, cấp huyện… biến lễ hội chỉ có tính cộng đồng nhỏ hẹp thành quy mô to rộng sai với thực chất nguyên thủy của nó.
Một mùa lễ hội đang diễn ra, mỗi ngày trên đất nước Việt Nam trung bình có 25 lễ hội… Và một người Việt Nam sẽ tham gia bao nhiêu cái lễ hội trong đời?
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.