| Cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên và tung bay trong gió (Nguồn ảnh: dantri.com.vn)
|
Nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, sáng 30/4, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, một địa danh nổi tiếng, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông với nghi lễ Thượng cờ tại kỳ đài Hiền Lương. Đúng 8 giờ sáng 30/4, Lễ Thượng cờ được tổ chức trọng thể tại kỳ đài lịch sử bên bờ Hiền Lương. Trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương trong cả nước cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Trị đã trang nghiêm làm lễ Thượng cờ, chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên trên đỉnh kỳ đài Hiền Lương lịch sử. Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lá cờ trên đỉnh cột cờ Hiền Lương là niềm kiêu hãnh, là niềm tin, ý chí, khát vọng và là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là mốc son rực rỡ của lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thay mặt lãnh đạo Tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đọc diễn văn tại Lễ Thượng cờ, ôn lại những năm tháng đấu tranh oanh liệt của quân và dân Quảng Trị cùng cả nước đứng lên chống kẻ thù chung, giành lại nền độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.
Hiền Lương-Bến Hải, một nhịp cầu, một dòng sông bình thường như bao dòng sông khác, tuy nhiên, nói đến Hiền Lương-Bến Hải là nhắc đến một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc Việt Nam. Từ sau năm 1954, Quảng Trị đã trở thành một địa danh nổi tiếng, làm lay động lương tri, tình cảm của hàng triệu con tim. Mảnh đất này một thời đã bị chia cắt và nhân lên khát vọng thống nhất của cả dân tộc Việt Nam cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Với vị trí là tuyến đầu của miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, khi Ngô Đình Diệm hô hào mở chiến dịch Bắc tiến, lấp sông Bến Hải thì Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã kiên cường, bất khuất, vượt lên chia cắt đau thương, đạn bom hủy diệt, một tấc không đi, một ly không rời để viết nên bản hùng ca thành đồng Tổ quốc trên vĩ tuyến 17 với Vĩnh Linh lũy thép anh hùng, Gio Linh, Quảng Trị tấn công nổi dậy kiên cường; với Đường 9, Khe Sanh rực lửa chiến công và Thành Cổ - Quảng Trị - biểu tượng chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Lá cờ Hiền Lương, nơi đầu cầu giới tuyến vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng niềm tin, ý chí thống nhất của đồng bào miền Nam ruột thịt đang ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Quảng Trị trở thành mảnh đất tụ nghĩa của cả nước. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc đã đến với Quảng Trị trong những năm tháng cam go, ác liệt nhất, cùng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ miền Bắc XHCN và vượt sông Bến Hải cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương, cho Bắc - Nam sum họp một nhà. Niềm tin ấy, sức mạnh ấy cùng với sự đóng góp xương máu của cả dân tộc đã viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa xuân năm 1975, vĩnh viễn xóa đi sự chia cắt đau thương, để cháu con Lạc Hồng về chung dưới một mái nhà Tổ quốc.
Chiến tranh khốc liệt, đau thương đã lùi vào quá khứ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng và bi tráng của dòng sông và nhịp cầu lịch sử này mãi mãi còn in đậm trong ký ức hàng triệu triệu người Việt Nam. Chiến tranh qua đi, Hiền Lương - Bến Hải hôm nay đã trở thành di tích đặc biệt cấp quốc gia, hàng ngày tiếp đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, ngưỡng vọng.
Từ một mảnh đất bị hủy diệt hoàn toàn trong chiến tranh, đến nay Quảng Trị đã từng bước hồi sinh; kinh tế tăng trưởng khá, các vấn đề văn hóa, xã hội được chăm lo và có nhiều tiến bộ; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh; nhiều tiềm năng thế mạnh của Tỉnh trên hành lang kinh tế Đông-Tây được khai thác có hiệu quả… Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông là dịp để tôn vinh những chiến công bất tử, những hi sinh của nhân dân hai miền Nam-Bắc trong thực hiện khát vọng thống nhất độc lập tự do cả dân tộc, thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Tại Lễ Thượng cờ, đoàn đại biểu của Thủ đô Hà Nội tặng tỉnh Quảng Trị biểu tượng Khuê Văn Các, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh tặng biểu tượng Bến Nhà Rồng. Hai biểu tượng đầy ý nghĩa này sẽ được tỉnh Quảng Trị trưng bày tại Nhà bảo tàng “Khát vọng thống nhất” trong không gian di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải./. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.