Lệnh cấm đi lại của Mỹ gia tăng căng thẳng với các đồng minh châu Âu
Chính phủ các nước EU chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump ngày 11/3 và cho rằng động thái này không được thông báo trước cũng như thiếu hợp tác trong vấn đề sức khỏe toàn cầu hiện nay đó là dịch Covid-19. Theo lãnh đạo EU, lệnh cấm của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp tới công dân châu Âu khi nhiều người trong số này bị cấm tới Mỹ cũng như phớt lờ các hành động mạnh mẽ của EU trong việc kiểm soát Covid-19.
Lệnh cấm đi lại của Mỹ gia tăng căng thẳng với các đồng minh châu Âu. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Tổng thống Trump cho rằng lệnh cấm được đưa ra khi tình hình cần hành động nhanh chóng, do đó không thể thông báo tới toàn bộ lãnh đạo EU. Ông Trump nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đưa ra quyết định và tôi không muốn mất nhiều thời gian. Sẽ tốn rất nhiều thời gian để gọi cho từng người và chúng tôi đã gọi cho một số người, nhưng chúng tôi cần hành động khẩn trương”.
Lệnh cấm, áp dụng đối với hầu hết những người không phải công dân Mỹ từng đi qua 26 nước EU, là một trong những quyết định đơn phương hàng đầu dưới thời ông Trump từng gây thất vọng đối với lãnh đạo EU. Một số quyết định khác của ông Trump khiến EU không mấy hài lòng bao gồm việc rút khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, các cam kết tranh cử của ông Trump năm 2016. Ngoài ra, việc áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu với lý do an ninh quốc gia cũng đã khiến lãnh đạo EU bất ngờ khi luôn nghĩ rằng châu Âu đã đóng góp cho an ninh nước Mỹ với việc tham gia Tổ chức Bắc Đại Tây Dương và các liên minh khác.
Tổng thống Trump đã chỉ trích sự đóng góp của châu Âu là không đủ và dọa sẽ áp thuế đối với ô tô của châu Âu, cũng với lý do an ninh quốc gia. Julianne Smith, người từng là Phó cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hiện nay, cho biết “Mỹ và châu Âu hiện đang có nhiều bất đồng trên mọi mặt trận”. Trong khi đó, bà Smith, một chuyên gia về địa chính trị ở Quỹ German Marshall cho rằng “một trong những điều khiến các nước châu Âu tức giận nhất đó là việc chính quyền ông Trump không tham vấn với các đồng minh châu Âu trong một số vấn đề”.
Theo lãnh đạo và giới chức EU, việc áp đặt lệnh cấm đi lại mà không tham vấn là phản tác dụng vì chính phủ các nước cần phối hợp với nhau trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Quyết định của Tổng thống Trump đã gây bất bình khi ông Trump tuyên bố EU đã thất bại trong việc giới hạn đi lại từ Trung Quốc và kiểm soát virus, và điều này đã gieo mầm dịch bệnh ở Mỹ.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 12/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có tuyên bố ngược với thông báo áp đặt lệnh cấm của ông Trump khi cho rằng đại dịch Covid-19 là một thách thức và cần phải có một giải pháp toàn cầu. Ông Macron cũng nhấn mạnh quyết định đóng cửa biên giới quốc gia chỉ được thực hiện khi cần thiết và có sự phối hợp với các nước châu Âu khác. Theo ông Macron “virus này không có hộ chiếu” và ông sẽ nói chuyện với Tổng thống Trump trong ngày 13/3. Ông Macron nhấn mạnh “việc bị chia rẽ sẽ cản trở nỗ lực đối phó với cái được coi là một khủng hoảng toàn cầu hiện nay”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì tuyên bố: “Tôi tin rằng chúng ta đang đối phó với một vấn đề và một thách thức toàn cầu. Chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề này, kể cả ở Mỹ, khi đưa ra các quyết định mang tính đổ lỗi”.
Trưởng phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu Eric Mamer cho biết giới chức EU đang tiếp tục tìm hiểu quy mô và hậu quả của quyết định từ phía Mỹ. Theo ông Mamer, EU hiện chưa có kế hoạch nhưng cũng không loại trừ khả năng trả đũa lệnh cấm của Mỹ.
Tổng thống Trump đã liên tiếp cáo buộc EU và các nước châu Âu lợi dụng Mỹ trong vấn đề quốc phòng và thương mại. Ông Trump cũng kêu gọi các nước này tăng cường chi tiêu quốc phòng và yêu cầu giảm thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU.
Các nước châu Âu đã cam kết gia tăng chi tiêu quốc phòng. Về thương mại, hai bên mới đây hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối tháng này nhằm tránh việc Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa của EU. Tuy nhiên, theo giới chức EU, hạn chót này dường như khó có thể đạt được. Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan đã hủy chuyến thăm tới Canada và Mỹ trong những ngày tới do lo ngại về Covid-19./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.