LHQ tái khởi động đàm phán kiểm soát vũ khí
Với số phiếu thuận áp đảo, Đại hội đồng LHQ ngày 25-12 đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán một dự thảo hiệp ước quốc tế về việc buôn bán vũ khí quy ước trị giá 70 tỷ USD, dự thảo hiệp ước này từng bị Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) vận động hành lang chống lại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại buổi họp báo sau vụ thảm sát tại Newtown. |
Cơ hội mới
Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết các đại biểu của LHQ và những nhà hoạt động kiểm soát súng đã phàn nàn rằng các cuộc đàm phán sụp đổ vào tháng 7 chủ yếu là do Tổng thống Mỹ Barack Obama lo sợ các cuộc tấn công từ đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney trước cuộc bầu cử ngày 6-11 nếu chính quyền của ông bị coi là hỗ trợ một hiệp ước kiểm soát vũ khí. Tại nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama và NRA cũng đã bị chỉ trích mạnh mẽ liên quan đến hành vi buôn súng.
Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử vào tháng trước, chính phủ của ông Obama tham gia trở lại một ủy ban của LHQ trong việc hỗ trợ nối lại các cuộc đàm phán về hiệp ước kiểm soát vũ khí. Sau vụ thảm sát tại trường học ở thành phố Newtown, bang Connecticut làm 20 trẻ em thiệt mạng, áp lực càng đè nặng lên Nhà Trắng. Kết quả là 193 quốc gia tại Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu đồng ý tổ chức vòng cuối cùng của các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí từ ngày 18 đến 28-3-2013 tại New York.
Ngoại trưởng các nước Argentina, Australia, Costa Rica, Phần Lan, Nhật Bản, Kenya và Anh – những quốc gia soạn thảo nghị quyết, đã ra tuyên bố chung hoan nghênh quyết định nối lại đàm phán về hiệp ước kiểm soát súng đạn.
NRA là yếu tố cản trở
Nguyên nhân chính để các cuộc đàm phán về hiệp ước mua bán vũ khí quy ước toàn cầu tiến triển là kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên năm 2009, ông chủ trương tham gia đàm phán. Mỹ là nước buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng doanh thu toàn cầu. Quan chức chính phủ Obama đã cố gắng giải thích với những người chống đối hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí rằng hiệp ước đang được thảo luận sẽ không ảnh hưởng đến doanh số bán súng và quyền sở hữu súng trong nước Mỹ mà chỉ áp dụng đối với hàng xuất khẩu.
Nhưng Phó chủ tịch NRA, ông Wayne LaPierre, nói trước các phái đoàn của LHQ vào tháng 7 rằng nhóm của ông phản đối hiệp ước và đến nay không có dấu hiệu cho thấy rằng ông đã thay đổi quan điểm. “Bất kỳ điều luật quốc tế nào bao gồm quyền sở hữu vũ khí dân sự sẽ gặp phản đối mạnh mẽ nhất từ NRA”, ông LaPierre nói trên trang web Viện Hành động lập pháp (NRA-ILA), đơn vị vận động hành lang của NRA.
Bài phát biểu của ông LaPierre sau đó đã được phần lớn các thượng nghị sĩ Mỹ và 130 dân biểu ủng hộ. Hiện chưa rõ mức độ ủng hộ NRA có giảm xuống hay không sau vụ thảm sát Newtown. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ điều ước nào vi phạm các quyền hiến định cho phép công dân của chúng tôi mang vũ khí” – một quan chức Mỹ nói với Reuters hồi tháng 11. Các quan chức Mỹ nói rằng họ muốn có một hiệp ước đóng góp vào an ninh quốc tế bằng cách đấu tranh chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp và phổ biến vũ khí, nhưng ủng hộ quyền bảo vệ chủ quyền của các quốc gia tuân thủ buôn bán vũ khí hợp pháp.
Trong quá trình thảo luận, nếu có bất cứ thành viên nào của LHQ phản đối, xem như việc đàm phán hiệp ước kiểm soát vũ khí sẽ không thành công, có nghĩa hiệp ước này cần số phiếu đồng thuận (vẫn chấp nhận phiếu trắng) và không có phiếu chống. Như vậy, từ nay đến hết tháng 3, nếu NRA không thể vận động hành lang giới quan chức Mỹ thì xem như một hiệp ước toàn cầu kiểm soát vũ khí quy ước sẽ sớm thành hiện thực. Hiệp ước như vậy cũng cần phải được quốc hội của mỗi quốc gia ký kết phê chuẩn trước khi nó có thể có hiệu lực.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.