LHQ thông qua Hiệp định kiểm soát buôn bán vũ khí
Với 154 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Đại hội đồng LHQ ngày 2/4 đã phê chuẩn hiệp định quốc tế đầu tiên về kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu. Văn bản quan trọng này sẽ góp phần hạn chế việc bán vũ khí thông thường cho các chính phủ và nhóm vũ trang phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng hoặc thực hiện các hành động bạo lực quy mô lớn.
Việc Đại hội đồng LHQ phê chuẩn Hiệp định kiểm soát buôn bán vũ khí (ATT) sau gần một thập kỷ thảo luận được đa số các nước thành viên đánh giá là một bước ngoặt trong nỗ lực kiểm soát thị trường vũ khí lên tới 60 tỷ USD trên toàn thế giới cũng như ngăn chặn xung đột vũ trang và tội phạm.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Vuk Jeremic nhấn mạnh: “Tôi tin rằng việc thiếu khung pháp lý về kiểm soát vũ khí đã góp phần gây ra các cuộc xung đột, mất ổn định khu vực, khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Hiệp định cho thấy mối liên quan giữa sự hiện diện của vũ khí tại các nước đang phát triển, đặc biệt là tại các khu vực có xung đột, với thách thức đối với phát triển bền vững và quyền con người”.
Phiên bỏ phiếu – Ảnh:UN |
Theo Hiệp định ATT, các loại vũ khí thông thường như xe tăng, tàu chiến, máy bay chiến đấu và vũ khí hạng nhẹ sẽ không được phép chuyển giao cho các nước đang chịu cấm vận của LHQ hoặc thực hiện các hành động diệt chủng, tội ác chống lại loài người hoặc tội ác chiến tranh.
Hiệp định yêu cầu chính phủ các nước xây dựng hệ thống hồ sơ quốc gia để có thể theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí thông thường và đảm bảo rằng vũ khí không lọt vào tay các tổ chức khủng bố hoặc các nhóm vũ trang khác. Ngoài ra, các nước tham gia hiệp định sẽ phải minh bạch hoá doanh số vũ khí hàng năm.
Hiệp định không quy định kiểm soát việc sử dụng vũ khí tại bất cứ quốc gia nào nhưng các nước tham gia phải xây dựng và thực hiện quy chế kiểm soát các hoạt động chuyển giao vũ khí thông thường và linh kiện liên quan, cũng như quản lý các nhà môi giới trong lĩnh vực này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hoan nghênh Hiệp định ATT, gọi đây là một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả và khả thi, góp phần tăng cường an ninh toàn cầu và bảo vệ quyền mua bán vũ khí hợp pháp của các nước.
Trong khi đó, Phái viên Nga tại LHQ, Vitaly Churkin cho biết Nga lo ngại về những điều khoản mà nước này cho là chưa rõ ràng trong hiệp định, trong đó có định nghĩa về diệt chủng. Nga là một trong số 23 nước bỏ phiếu trắng. Ấn Độ, Ai Cập, Indonesia và Pakistan cũng cho rằng với hiệp định này, các nước xuất khẩu vũ khí lớn sẽ được hưởng lợi một cách bất công. Trưởng đoàn đàm phán Ấn Độ, Sujata Mehta còn cảnh báo rằng hiệp định chưa đủ mạnh đối với các hoạt động khủng bố và bất lợi đối với các nước nhập khẩu vũ khí.
Iran, Triều Tiên và Syria-3 nước bỏ phiếu chống-kịch liệt phản đối ATT với lý do hiệp định sẽ ngăn cản các nước nhỏ mua bán, chuyển giao vũ khí với mục đích tự vệ. Iran nêu rõ, Hiệp định kiểm soát buôn bán vũ khí bảo vệ những người sở hữu súng tại Mỹ nhưng lại không bảo vệ những người sống dưới ách đô hộ nước ngoài.
Trước đó, hội nghị nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của toàn bộ các nước thành viên LHQ đối với Hiệp định ATT đã thất bại do sự phản đối của 3 nước trên./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.