Liệu có đủ công cụ để kiềm chế “ngòi nổ” biên giới Ấn – Trung?

Căng thẳng biên giới Ấn – Trung giống như “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Liệu 2 nước có đủ công cụ để kiểm soát nguy cơ chiến tranh?

Tình hình chung tại biên giới Ấn – Trung

Vụ đụng độ đêm 15/6 tại thung lũng Galwan, trên đường Kiểm soát Thực tế (LAC) là sự cố tồi tệ nhất, và có thiệt mạng lần đầu kể từ năm 1975 giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc. Chính vì thế, sự việc này đang khiến dư luận sôi sục những ngày qua. Tới thời điểm này, tình hình biên giới Ấn Độ – Trung Quốc đã trở lại ổn định.

lieu co du cong cu de kiem che "ngoi no" bien gioi an - trung? hinh 1
Một biển hiệu ở biên giới Ấn – Trung tại Bumla thuộc bang Arunachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ chụp ngày 11/11/2019. Ảnh: Reuters

Theo các nguồn tin quân sự của Ấn Độ, binh lính hai bên đã trở về vị trí cũ tại thung lũng Galwan, dọc theo đường Kiểm soát Thực tế ở vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ và không còn có các hành vi gây hấn hay khiêu khích xảy ra. Tuy nhiên, sự cảnh giác cao độ là điều thấy rõ.

Ngay sau vụ việc căng thẳng này, sáng 17/6, bang Himachal Pradesh, một địa phương khác có chung biên giới với Trung Quốc đã phải đưa ra cảnh báo về an ninh và áp dụng các biện pháp đề phòng chặt chẽ hơn. Động thái mới được áp dụng tại hai quận Kinnaur và Lahaul-Spiti, những nơi giáp lãnh thổ Trung Quốc của bang này. Tất cả các đơn vị cảnh sát tại bang Himachal Pradesh cũng được tăng cường mức báo động lên cao hơn.

Có một điểm đáng chú ý là bất chấp sự việc đẫm máu khiến nhiều binh lính hai bên thương vong, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán quân sự ở cấp thiếu tướng những ngày qua tại khu vực thung lũng Galwan. Theo các nguồn tin quốc phòng, cuộc đàm phán này đã kết thúc chiều tối 17/6 mà không có bất cứ kết quả nào. Điều đó có nghĩa là sẽ chưa có thêm bất cứ động thái lui quân, giảm đối đầu nào tại biên giới, hay thay đổi trên thực địa. Tuy nhiên, hai bên cam kết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc gặp như vậy trong những ngày tiếp theo.

Cũng trong ngày hôm qua (17/6), Ngoại trưởng hai nước đã có cuộc điện đàm để thảo luận về cuộc đụng độ chết người vừa qua. Trong đó, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đều đã có những lời lẽ rất cứng rắn, quyết liệt thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này. Hai phía đều yêu cầu nhau phải có trách nhiệm điều tra vụ việc và trừng phạt những người đã gây nên sự cố này.

Tuy nhiên, cả hai Ngoại trưởng đều tìm cách giảm căng thẳng. Trung Quốc cho biết hai bên đã đồng ý “hạ nhiệt tình hình càng sớm càng tốt”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định cả hai đều nhất trí “không có hành động làm leo thang vấn đề”. Như vậy, tình hình tại biên giới Ấn Trung đã tạm lắng nguy cơ xung đột, tuy nhiên mọi việc có thể nóng trở lại nếu quân đội hai nước tiếp tục duy trì lực lượng lớn, với trạng thái sẵn sàng chiến đấu dọc đường LAC như hiện tại. Những tính toán sai lầm, hay bất cứ sai sót nào cũng có thể khiến đụng độ xảy ra.

Vì sao đụng độ Ấn – Trung bùng phát?

Nguồn gốc sâu xa của sự cố đẫm máu vừa xảy ra giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc là việc hai bên chưa giải quyết được vấn đề tranh chấp, mà trước hết là phân định được đường biên giới cứng, chứ không phải là đường Kiểm soát Thực tế (LAC) như hiện trạng. Thậm chí, cả Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn có những nhận thức khác nhau về chiều dài và phạm vi của đường LAC.

Vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn – Trung chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán suốt nhiều năm. Thậm chí, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền với 90.000 km vuông về phía đông bắc của lãnh thổ Ấn Độ, trong khi New Delhi nói rằng Bắc Kinh đang chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ của họ trên cao nguyên Aksai Chin ở phía tây dãy Himalaya.

 Như vậy, tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước. Trong khi chưa phân định được đường biên giới rõ ràng, thì bất cứ khi nào một bên có động thái trong khu vực biên giới, lập tức sẽ xuất hiện binh lính của phía bên kia tới gây hấn, tạo sức ép và va chạm.

Lần gần đây nhất quân đội Ấn – Trung đụng độ dài ngày là vào năm 2017. Khi đó, Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc mở rộng con đường trên cao nguyên Doklam, nằm ở khu vực ngã ba biên giới giữa 2 nước và Bhutan. Cuộc xung đột kéo dài trong 2 tháng và là sự kiện nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến năm 1962.

Còn hiện tại, chuỗi sự kiện căng thẳng kéo dài từ đầu tháng 5 đã dẫn tới sự cố đêm 15/6. Lần này là tới lượt Trung Quốc phản đối Ấn Độ xây cất các hạ tầng ở vùng biên giới nhằm củng cố khả năng cơ động của quân đội trong mọi điều kiện thời tiết. Năm ngoái, Ấn Độ đã hoàn thành việc xây một con đường biên giới và vừa mới đưa vào sử dụng đầu tháng 5. Đoạn đường này dài 25 km nối thị trấn Leh và đèo Karakoram ở Ladakh, cùng 37 cây cầu bắc qua những con sông bị đóng băng trên cao nguyên 5.000 mét. Con đường mới cho phép quân đội Ấn Độ nhanh chóng triển khai vũ khí hạng nặng tới các khu vực mà họ không thể tiếp cận trước đây.

Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch hoàn thành thêm 11 tuyến đường khác dọc theo đường LAC trong năm nay. Xa hơn, New Delhi còn muốn tạo nên một hệ thống 61 tuyến đường với tổng chiều dài 3.300 km dọc theo đường LAC vào năm 2023. Theo đánh giá của các nhà phân tích, đây chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc đưa quân đội tới khu vực này để gây hấn với nước láng giềng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực để mở rộng tuyến đường Tây Tạng – Tân Cương, biến nó trở thành Quốc lộ 219, dọc theo đường biên giới phía tây, bao gồm các nhánh dẫn tới những vùng đất xa xôi như đi sang Pakistan hay quay lại Vân Nam, Quảng Tây.

Với thực trạng đó, đụng độ ở biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Giới phân tích đều nhất trí rằng điều duy nhất có thể làm trong thực tế là quản lý các xung đột tại biên giới tránh làm cho sự việc trầm trọng hơn.

Chiến tranh biên giới Ấn – Trung liệu có xảy ra?

Cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng hai nước hôm qua (17/6) cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc đã cùng nhất trí không để căng thẳng biên giới hiện tại leo thang thành một cuộc chiến tranh bởi thiệt hại sẽ rất lớn. Vụ việc xảy ra có thể coi là một tai nạn, hay là một sai sót đáng tiếc nào đó của binh lính hai nước dẫn tới đổ máu tại thực địa.

Ngoài ra, hai bên cũng đang có những công cụ khác để kiểm soát va chạm và giao tranh, không để vụ việc phát triển thành những vấn đề nghiêm trọng hơn, cụ thể là các cuộc đàm phán ở cấp thiếu tướng ngay tại khu vực đường LAC những ngày qua. Đây có thể coi là hy vọng để hai nước sẽ tìm được một giải pháp cho xung đột.

Nhìn ở tầm vĩ mô, Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập được cơ chế để quản lý biên giới, duy trì hiện trạng và ổn định tại khu vực. Cơ chế nền tảng này đã xuất hiện từ tháng 4/2018, sau cuộc họp Thượng đỉnh không chính thức giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình tại thành phố Vũ Hán. Văn kiện này được gọi là ‘bản hướng dẫn chiến lược cho quân đội mỗi bên để tăng cường trao đổi thông tin nhằm xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy tính dễ dự đoán và hiệu quả trong việc quản lý quan hệ biên giới’. Tại cuộc gặp đó, hai nhà lãnh đạo cũng đã chỉ thị cho quân đội cùng thực thi nghiêm túc một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi đã có những sai số, thậm chí là những điểm bất đồng mà hai bên chưa kịp giải quyết. Vậy nên, giải pháp trước mắt là Ấn Độ và Trung Quốc phải tăng cường đối thoại, cũng như quản lý tốt quân đội tại biên giới để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra./.

Nguồn vov.vn