Lời cảnh báo từ biến đổi khí hậu
Cháy rừng tại bang New South Wales
Tình trạng cháy rừng đã được nâng từ mức “nguy hiểm” lên “thảm họa” trên phần lớn bang Nam Australia. Hơn 100 trường học phải đóng cửa; nhiều người dân ở các khu vực có nguy cơ cháy cao đã được chính quyền yêu cầu sơ tán. Biến đổi khí hậu được cho là tác nhân khiến các đám cháy ở khu vực này bùng phát sớm với sức tàn phá mạnh hơn.
Tác động nguy hiểm
Cục Khí tượng Australia đã đưa ra dự báo nhiệt độ sẽ lên tới 42°C tại thành phố Adelaide, thủ phủ của bang Nam Australia, trong khi tại một số khu vực khác thuộc bang này nhiệt độ có thể ở mức trên 43°C.
Cho đến nay, ngoài 300 ngôi nhà và khoảng 1 triệu ha đất canh tác bị thiêu rụi, cháy rừng cũng đã khiến 4 người thiệt mạng. Với nhiệt độ này, các khu vực có nguy cơ cháy thảm khốc, các công viên và khu bảo tồn quốc gia sẽ bị đóng cửa. Cùng với đó, chính quyền bang Nam Australia đã áp dụng lệnh cấm đốt lửa ngoài trời trên toàn tiểu bang vào ngày 20-11.
Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng trở thành nỗi lo lớn tại một số nước châu Âu, trong đó có Italy. Tổ chức môi trường lớn nhất của Italy Legambiente vừa công bố báo cáo cho biết, nhiều thành phố và khu vực đô thị tại Italy đang phải chịu sự tác động lớn từ biến đổi khí hậu và nếu chính phủ không có kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, hậu quả sẽ rất nặng nề trong tương lai.
Báo cáo này khiến dư luận chú ý do được công bố giữa lúc Venice đang hứng chịu trận lụt lịch sử. Báo cáo của Legambiente cho biết, từ năm 2010, Italy đã phải gánh chịu 563 vụ thời tiết cực đoan, với hơn 350 thành phố và địa phương chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chỉ tính trong năm 2018, thiên tai, lũ lụt đã khiến hàng chục người tại nước này thiệt mạng, cùng hàng ngàn người phải đi sơ tán.
Trong khi đó, để phòng chống thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Mỹ có kế hoạch đầu tư 30 triệu USD nâng cấp hệ thống bảo vệ biển. Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cho biết, khoản đầu tư trên sẽ được giải ngân cho các dự án bảo vệ bờ biển tại 23 bang của Mỹ, bao gồm các dự án khôi phục hoặc mở rộng vùng đầm lầy, đồi cát, đá ngầm, diện tích trồng cây đước…
Thiệt hại hàng ngàn tỷ USD
Trên thực tế, không chỉ ở Mỹ, khu vực bờ biển trên toàn thế giới đang phải chịu hậu quả bị tàn phá của những thảm họa thiên tai nghiêm trọng, nhiệt độ cao và nước biển dâng mà các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng.
Theo Cơ quan Nghiên cứu tình báo kinh tế (EIU), biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 7.900 tỷ USD vào năm 2050 do hạn hán, lũ lụt và các vụ mùa thất thu ngày càng gia tăng làm cản trở tốc độ tăng trưởng và đe dọa hạ tầng cơ sở. Dự báo trên được đưa ra dựa trên việc phân tích hoạt động chuẩn bị ứng phó của 82 nền kinh tế trên thế giới.
Theo báo cáo, căn cứ vào xu hướng nhiệt độ toàn cầu ấm lên như hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2050 sẽ giảm 3%. Châu Phi dự báo là khu vực chịu rủi ro lớn nhất với nguy cơ GDP giảm 4,7% vào năm 2050. Trong khu vực này, Angola có thể là quốc gia chịu tác động nặng nhất, với GDP giảm 6,1% vì nhiều nguyên nhân như thiếu các cơ sở hạ tầng có chất lượng, dễ bị hạn hán nghiêm trọng, tình trạng xói mòn đất và mực nước biển gia tăng.
Để duy trì nhiệt độ ấm lên của Trái đất ở mức không quá 2°C và nếu có thể là 1,5°C so với thời kỳ tiền Công nghiệp, theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nền kinh tế toàn cầu phải giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một vấn đề gây tranh cãi vì những nước đang phát triển cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng của nước họ không đáng phải hứng chịu hậu quả từ hàng thập niên sử dụng nhiên liệu hóa thạch của các nước giàu.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.