Lời cảnh báo từ kênh đào Suez
Siêu tàu chở hàng mắc cạn trên kênh đào Suez gây cú sốc cho thương mại toàn cầu khi tuyến đường thủy nhân tạo quan trọng nhất thế giới này có thể tê liệt vài tuần
Trong nỗ lực giải cứu hôm 25-3, 8 tàu kéo được điều động đến lai dắt siêu tàu nặng hơn 220.000 tấn nhưng vẫn không có hiệu quả. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến con tàu mắc kẹt. GAC, công ty vận chuyển và hậu cần toàn cầu, cho biết con tàu gặp sự cố mất điện nhưng không cho biết chi tiết.
Trong khi đó, Công ty Đài Loan Evergreen Marine (vận hành tàu hàng Ever Given) cho rằng con tàu bị mắc cạn do tầm nhìn kém và gặp gió mạnh trong lúc đi vào kênh đào Suez từ hướng biển Đỏ nhưng không có container nào bị chìm. Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập cũng đổ lỗi cho thời tiết xấu gây ra vụ việc.
Nỗ lực giải cứu tàu Ever Given ngày 26-3. Ảnh: Reuters
Theo đài CNN, một nhóm chuyên gia cứu hộ từ 2 công ty nổi tiếng giải cứu tàu – Smit Salvage (thuộc công ty mẹ Boskalis) của Hà Lan và Nippon Salvage của Nhật Bản – đã tham gia hỗ trợ SCA đẩy tàu Ever Given nổi trở lại.
Hãng tin AP cho biết nỗ lực cứu hộ hiện tập trung vào việc nạo vét để loại bỏ cát và bùn xung quanh mạn trái mũi tàu. SCA đã triển khai các tàu kéo và máy hút bùn chuyên dụng có khả năng vận chuyển 2.000 m3 vật liệu mỗi giờ. Theo SCA, họ cần nạo vét từ 15.000-20.000 m3 cát để đạt độ sâu 12-16 m nhằm giải cứu con tàu.
Ông Peter Berdowski, Giám đốc điều hành Boskalis, cho biết một giải pháp khác được cân nhắc là giảm tải lượng nước và dầu từ tàu để giảm tải trọng tàu, thậm chí là dỡ bớt container, đồng thời kết hợp với lai dắt, nạo bùn, cát dưới lòng sông, thông luồng để giải cứu tàu hàng. Tuy nhiên, quá trình này có thể kéo dài nhiều tuần.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu hàng Ever Given chắn ngang kênh đào Suez – Ai Cập hôm 25-3 Ảnh: REUTERS
Ông Martijn Schuttevaer, phát ngôn viên của Boskalis, cho đài CNN hay các tàu hậu cần có thể được triển khai cùng với tàu kéo nhưng cần tính toán về lực kéo để không làm hỏng tàu hàng. Người phát ngôn cho rằng bước đầu phải xác định chính xác mức độ lấn vào bờ của tàu, từ đó sẽ quyết định các bước tiếp theo.
Đội cứu hộ có thể tìm cách làm cho tàu nhẹ hơn, nhằm tạo điều kiện kéo nó đến một vị trí bớt gây cản trở, mở đường cho các tàu khác lưu thông. Trong trường hợp xấu nhất, một số container trên tàu Ever Given phải được dỡ xuống và thời gian của quá trình này phụ thuộc vào số lượng thiết bị được triển khai.
Thủy thủ đoàn và một số chuyên gia cứu hộ hy vọng con tàu có thể được giải thoát nhờ thiên nhiên. Cụ thể, triều cường vào ngày 28 hoặc 29-3 có thể làm mực nước tăng thêm khoảng 45 cm, đủ để giải phóng con tàu.
Ông Lawrence Brennan, giáo sư về luật hàng hải quốc tế tại Trường ĐH Fordham (Mỹ), cảnh báo hình ảnh chụp được cho thấy con tàu mắc cạn với phần đuôi đang nổi và điều này có thể gây thêm thiệt hại vật lý cho con tàu. Theo chuyên gia Brennan, trong trường hợp con tàu bị gãy đôi và không thể tháo dỡ, thời gian phong tỏa kênh đào sẽ kéo dài hơn.
Toàn cảnh vụ tàu Ever Given mắc cạn. Đồ họa: Straits Times – Việt hóa: Thanh Long
Trước mắt, SCA thông báo tạm thời đình chỉ giao thông tại kênh đào Suez từ ngày 25-3 để giải cứu tàu Ever Given.
Theo AP, ít nhất 237 tàu đang chờ thông kênh, trong đó có hàng chục tàu container, tàu chở dầu và khí đốt đang neo đậu ở hướng vào kênh để cân nhắc quyết định chuyển hướng, gây ra một trong những vụ tắc nghẽn hàng hải tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Chưa hết, thông qua dữ liệu từ các thiết bị theo dõi hệ thống nhận dạng tự động của tàu trên biển, Công ty Dữ liệu Refinitiv (Anh) đã chia sẻ một phân tích cho thấy hơn 300 con tàu đang trên đường đến kênh đào Suez trong 2 tuần tới.
Thiệt hại hàng tỉ USD/ngày
Theo hãng tin Bloomberg, “tính toán sơ khởi” dựa trên thông tin của tạp chí hàng hải Lloyd’s List cho thấy thiệt hại từ sự cố siêu tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez vào khoảng 400 triệu USD/giờ, tức khoảng 9,6 tỉ USD/ngày. Ước tính này dựa trên luồng giao thông từ Đông sang Tây trị giá khoảng 5,1 tỉ USD/ngày, trong khi luồng giao thông theo hướng ngược lại trị giá khoảng 4,5 tỉ USD/ngày.
Cần có thêm thời gian để hoàn thành những tính toán chi tiết hơn song theo báo The New York Times, với nhiệm vụ cứu hộ dự kiến kéo dài vài tuần, những con tàu khác buộc phải đi vòng qua châu Phi. Tuyến đường này dài hơn 9.656 km so với thông qua kênh đào Suez và tiêu tốn thêm khoảng 300.000 USD cho phí nhiên liệu.
Ai Cập, nước thu về 5,61 tỉ USD nhờ Suez trong năm 2020, đang tích cực khơi thông kênh đào này. Khoảng 10% lượng hàng hóa thế giới đi qua kênh đào Suez, trong đó dầu mỏ chiếm phần đặc biệt quan trọng. Vụ mắc cạn nói trên khiến giá dầu thế giới lao dốc hôm 25-3 nhưng đã quay đầu trong ngày 26-3. Dù vậy, giá dầu vẫn trên đà giảm tuần thứ ba liên tiếp. Theo Reuters, giá dầu thô ở Anh và Mỹ nhiều khả năng giảm hơn 3% trong tuần này, sau khi giảm hơn 6% vào tuần trước.
“Ban đầu, kịch bản tàu Ever Given mắc cạn nhiều tuần khiến giá tăng do lo ngại nguồn cung gián đoạn. Tuy nhiên, việc châu Âu và nhiều nơi khác bước vào đợt phong tỏa Covid-19 mới có thể khiến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu chưa hồi phục, từ đó giá khó tăng cao” – nhà nghiên cứu Yasushi Osada của Công ty Nissan Securities phân tích. Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ chưa khởi sắc do các nhà sản xuất không bán được nhiều dầu cho châu Á, nhất là Trung Quốc. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp này tiết lộ các nước châu Á đang sử dụng dầu giá rẻ trữ trong kho.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.